Chương trình có chủ đề "Thảnh thơi tài chính thế hệ Z - Từ sống sót đến sống đầy" diễn ra tại Đại học Quốc tế (12/10), Đại học Kinh tế - Luật (13/10) và Ký túc xá Đại học Quốc gia TP HCM (19/10). Qua ba lần tổ chức, hội thảo hút hơn 1.000 sinh viên dự trực tiếp và 3.500 sinh viên qua nền tảng trực tuyến. Chuỗi sự kiện do Hội Sinh viên Việt Nam TP HCM phối hợp Ban cán sự Đoàn Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức, Home Credit là đơn vị đồng hành.
Buổi hội thảo trả lời nhiều vấn đề xoay quanh việc lập kế hoạch tài chính cá nhân, tạo nguồn thu nhập ổn định và chi tiêu hợp lý. Các chuyên gia mang đến những câu chuyện về cách quản lý thu chi, lập ngân sách phù hợp với từng giai đoạn của sinh viên.
Tiến sĩ Ngô Ngọc Quang, Giảng viên Đại học Ngân hàng, thành viên Ban cố vấn Hiệp hội tư vấn Tài chính cá nhân Việt Nam mang đến những câu chuyện về bí quyết kiếm 100 triệu đồng từ tiết kiệm và tận dụng lãi suất kép. Sau khi giả định có 100 triệu đồng đầu tiên, sinh viên được học cách "giữ tiền" và cách "dùng tiền đẻ ra tiền".
Một chủ đề khác cũng tạo "bão" thảo luận là khó khăn trong quản lý tài chính. Theo các diễn giả, nhiều gen Z gặp khó vì không lên kế hoạch và thứ tự ưu tiên cho các chi tiêu. Để hướng đến tự chủ tài chính cá nhân, sinh viên cần tập trung vượt qua giai đoạn "sống sót" và bắt đầu tích lũy.
Đồng thời, mỗi người cần xây dựng cho mình những nguồn tài sản vô hình như kiến thức, kỹ năng, mạng lưới quan hệ. Khi sắp ra trường, việc lập kế hoạch tài chính cụ thể là bước cần thiết để chuẩn bị cho tương lai.
Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh - chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Văn hóa Sách Sài Gòn (Saigon Books) - cho rằng ba việc cần để có thể tự chủ tài chính gồm tăng doanh thu, kiểm soát tốt các chi phí, đầu tư hiệu quả.
"Muốn đạt tự do tài chính phải có lộ trình làm giàu, làm chủ doanh nghiệp hoặc thành chuyên gia giỏi trong lĩnh vực của mình. Muốn trở thành người giỏi trong chuyên môn cần có đam mê, có mentor giỏi và cả khổ luyện", ông Quỳnh nói.
Không chỉ thu hút sinh viên của các trường tổ chức, sự kiện còn nhận nhiều quan tâm từ sinh viên các trường lân cận như Đại học Công nghệ Thông tin, Đại học Bách Khoa và Đại học Mở. Các sinh viên cũng chia sẻ về nguồn thu nhập hiện tại và cách họ quản lý tài chính cá nhân.
Trong buổi thảo luận, Tiến sĩ Ngô Ngọc Quang cho rằng nhóm trẻ nên được quan tâm vì họ là những khách hàng tiềm năng trong tương lai. Hỗ trợ họ từ những bước đầu để hiểu rõ về sản phẩm tài chính sẽ tạo dựng niềm tin, giúp họ sử dụng các dịch vụ tài chính một cách bền vững.
Ông cho rằng quản lý tài chính cá nhân sẽ trở thành một trong những kỹ năng thiết yếu đối với các bạn trẻ khi lập nghiệp. Điều này góp phần xây dựng nền tài chính toàn diện cho Việt Nam.
Đồng quan điểm, ông Võ Kim Long, Trưởng bộ phận Sản phẩm vay và Dịch vụ giá trị gia tăng tại Home Credit Việt Nam - đơn vị đồng hành chương trình cho rằng việc phổ cập kiến thức tài chính cho sinh viên là cần thiết để giúp họ hiểu rõ và sử dụng các sản phẩm tài chính một cách hiệu quả. Từ đó, giúp xây dựng nền tài chính bền vững cho cá nhân và góp phần phát triển thị trường tài chính tiêu dùng lành mạnh. Các tổ chức tài chính đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin và hỗ trợ khách hàng trẻ trong quá trình này.
Tại Việt Nam, Home Credit đã hoạt động từ năm 2008, trở thành một trong những công ty hàng đầu trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng với mạng lưới đối tác rộng khắp và dịch vụ nhanh chóng. Home Credit cũng chú trọng vào việc giáo dục tài chính, đặc biệt là đối với sinh viên, nhằm giúp họ có kiến thức quản lý tài chính cá nhân từ sớm.
Đơn vị cũng đặt mục tiêu nâng cao kiến thức cho cộng đồng, góp phần xây dựng hệ sinh thái tài chính toàn diện tại Việt Nam. Công ty đồng hành Vụ Truyền thông Ngân hàng Nhà nước xây dựng nội dung cho nhiều chương trình giáo dục tài chính như Đồng tiền thông thái, Tay hòm chìa khóa, Tiền khéo tiền khôn... Home Credit cũng phối hợp với các chuyên gia, xuất bản cuốn sách Hiểu về tài chính.