Sự kiện được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến vào ngày 19/3 với sự góp mặt của nhiều nhà khoa học từ 10 nước, gồm: Ai Cập, Ấn Độ, Trung Quốc, Uzbekistan, Việt Nam, Nga, Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Hàn Quốc. Trong đó có các nhà khoa học đầu ngành như PGS. TS Chutiporn Anutariya, PGS.TS Rafidah Md Noor, GS.TS Lam Kwok Yan hay chuyên gia từ trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp trong nước.
ICISN 2022 là diễn đàn thường niên dành cho các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước trao đổi học thuật, chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm các cơ hội hợp tác trong lĩnh vực điện tử, truyền thông và công nghệ.
Các nội dung được trao đổi và thảo luận trong hội thảo là kết quả nghiên cứu của nhiều tác giả về những thách thức mới trong các lĩnh vực: kỹ thuật và phương pháp phát triển phần mềm, mạng di động và không dây, xử lý tín hiệu...
Trong gần 200 bản thảo, ban tổ chức đã chọn ra 75 công trình được chấp thuận trình bày với tiêu chí: mới, khoa học, độ trùng lặp với các công trình khác không quá 15% và khuôn dạng trình bày theo định dạng của Nhà xuất bản Springer.
Các chủ đề nghiên cứu cũng rất đa dạng, giải quyết những bài toán thực tiễn của doanh nghiệp và xã hội như "Thiết kế điều khiển của hệ thống máy phát điện âm nhiệt sử dụng thuật toán học tăng cường"; "Phát triển các giải pháp và thiết bị chiếu xạ tia cực tím (UVC) tiết kiệm và hiệu quả để khử khuẩn nhanh SARS-CoV-2 trên mặt nạ phòng độc N95"; Dự đoán bệnh tim bằng phương pháp tính toán mềm...
Đại diện ban tổ chức từ Swinburne Việt Nam cho biết, trước thực tế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các nhà nghiên cứu và doanh nghiệp cần có giải pháp kịp thời để thích ứng với những áp lực thay đổi công nghệ ngày càng phổ biến trên thế giới.
Tại ICISN 2022, Chủ tịch Tập đoàn FPT - Trương Gia Bình và Viện Trưởng Viện nghiên cứu Công nghệ FPT, Giám đốc Khoa học FPT Smart Cloud - Trần Thế Trung cũng tham gia trình bày công trình. Đại diện của tập đoàn hàng đầu về nghiên cứu và ứng dụng công nghệ đã đóng góp cho hội thảo góc nhìn từ doanh nghiệp và thị trường đối với lĩnh vực mạng, hệ thống thông minh.
Trí tuệ nhân tạo (AI) cũng là lĩnh vực được nhiều nhà khoa học quan tâm và phát triển. AI mang đến cơ hội cũng như thách thức cho doanh nghiệp trong thời đại Internet vạn vật (IoT).
Trong đó, ông Trương Quốc Hùng - Tổng giám đốc VinBrain đã trình bày về chủ đề "Sức khỏe kỹ thuật số với sức mạnh của AI và dân chủ hóa AI trong thế giới hiện đại". Từ đó, ông chỉ ra ứng dụng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn vào doanh nghiệp là xu hướng tất yếu khi các doanh nghiệp đang cố gắng phát huy tiềm năng trong lĩnh vực này.
"VinBrain đang cố gắng tạo ra một hệ sinh thái sức khỏe lâu dài, khác biệt, tận dụng dữ liệu lớn, xác thực sớm với vòng phản hồi gần như thời gian thực qua trợ lý AI của bác sĩ như sản phẩm AIviCare, AI cho telehealth và DrAid", ông Hùng nói thêm.
TS. Lê Nhân Tâm - Giám đốc Công nghệ IBM Việt Nam cũng chia sẻ về "Hồ dữ liệu AI - Định nghĩa lại hồ dữ liệu truyền thống". Theo ông, việc chuyển đổi kỹ thuật số đã dẫn đến sự gia tăng đáng kể về lưu lượng thông tin. Việc áp dụng đám mây phát triển, dữ liệu truyền trực tuyến đang nhanh chóng trở nên phổ biến.
Theo đó, nền tảng công nghệ và kiến trúc - Data Lake có thể hỗ trợ thu thập dữ liệu nhanh với mô hình lưu trữ tự nhiên cho dữ liệu đa cấu trúc phức tạp; cung cấp khả năng lưu trữ hiệu quả về chi phí đối với các tập lớn và phân tích hỗ trợ AI.
Đại diện ban tổ chức khẳng định, công trình nghiên cứu của các tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam đã góp phần xây dựng hệ sinh thái hoàn chỉnh, kết hợp với các trường đại học, viện nghiên cứu, nhà khoa học.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sẽ tham gia trực tiếp và trở thành trung tâm nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, từ đó hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Thiên Minh