Trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam khá mạnh mẽ. Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, các hoạt động kinh doanh trực tuyến ngày càng phát triển với nhiều hình thức mới. Tuy nhiên sự tăng trưởng nhanh cũng song hành với những hành vi mua bán tiêu cực.
Hiện tại, hệ thống pháp luật về thương mại điện tử chưa thể kiểm soát hoàn toàn hoạt động trong lĩnh vực này. Vì vậy, Nghị định về thương mại điện tử cần được thay đổi, bổ sung theo khuôn khổ pháp lý mới để rà soát và tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của thương mại điện tử tại Việt Nam.
Hội thảo do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thuộc Bộ Công Thương phối hợp với VECOM - Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam thực hiện. Sự kiện có sự tham dự của các Bộ, ngành, các cơ quan, hiệp hội và các diễn giả, chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Ông Nguyễn Thanh Hưng - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam đã nêu ra các vấn đề còn tồn tại trên thị trường. Trong đó, ông nhấn mạnh khó khăn đầu tiên là trở ngại trong thanh toán trực tuyến. Tuy nhiên theo quan điểm của Hiệp hội, trong vài năm tới sẽ có những thay đổi tích cực. Vấn đề khó khăn tiếp theo là dịch vụ hoàn tất đơn hàng mà cốt lõi là dịch vụ chuyển phát cần có những thay đổi, cải tiến để đáp ứng tốc độ phát triển của thương mại điện tử.
Đại diện VECOM góp ý về khó khăn trong thu hút đầu tư nước ngoài vào thương mại điện tử. Kế tiếp, nguồn nhân lực cũng là một trong những trở ngại lớn nhất cho quá trình duy trì tốc độ tăng trưởng kinh doanh trực tuyến. Thực tế tốc độ phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam đang có khoảng cách rất lớn giữa TP HCM, Hà Nội với 61 tỉnh thành còn lại. Việc thu hẹp khoảng cách là nhiệm vụ quan trọng của cơ quan quản lý nhà nước, Hiệp hội và doanh nghiệp.
Vấn đề cuối cùng được ông Hưng chia sẻ tại hội thảo là chính sách pháp luật. Từ năm 2013 đến nay Nghị định thương mại điện tử đã có tác động tích cực đến sự phát triển của thương mại điện tử Việt Nam. Tuy nhiên lĩnh vực này luôn cần sự mới mẻ. Vì vậy điều tất yếu là phải điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi cho phù hợp và đáp ứng xu hướng.
Sự kiện còn có nhiều nội dung liên quan Nghị định về thương mại điện tử. Sau các phần trình bày là phần giao lưu, thảo luận các vấn đề giữa Bộ, ngành và các doanh nghiệp. Các Bộ, ngành liên quan đã nhận những ý kiến đóng góp từ đại diện các doanh nghiệp. Sau đó thảo luận, trao đổi, đánh giá và giải đáp các vấn đề được góp ý, từ đó có cơ sở để hoàn thiện dự thảo Nghị định về thương mại điện tử.
Tại hội thảo, đại diện Tiki đã góp ý và chỉ ra các điểm quy định, thủ tục phức tạp của hệ thống luật thương mại điện tử gây cản trở hoạt động bán hàng xuyên biên giới, hạn chế sự tiếp cận của người tiêu dùng đối với sản phẩm chất lượng tốt từ thị trường quốc tế. Ngoài ra, quy trình thủ tục rườm rà hiện nay cũng tạo nên rào cản cho các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam, trong khi lĩnh vực kinh doanh trực tuyến đang rất cần nguồn lực vốn, kinh nghiệm từ các nhà đầu tư này.
Thêm vào đó, nhiều thủ tục, trình tự tạo nên sự phân biệt đối xử giữa các kênh bán hàng online và offline. Từ đó, đại diện Tiki hy vọng những ý kiến đóng góp này sẽ giúp ích cho việc xây dựng hành lang pháp lý mới phù hợp hơn, thúc đẩy sự phát triển thương mại điện tử Việt Nam.
Ông Leon Trương - Đại diện Liên minh DTS chia sẻ, vấn đề đầu tiên là ngay khi phát triển cửa hàng chính hãng, nhà bán hàng bắt đầu nhận được sự tranh chấp từ đại lý, nhà phân phối và các đơn vị bán hàng xách tay...
Hiện nay, năng suất vận hành của nhãn hàng chính hãng thấp hơn đại lý hoặc nhà phân phối. Vì vậy, các nhãn hàng cần phải chú trọng đến kinh doanh trực tuyến, chung tay góp sức với nhau để cùng phát triển thương mại điện tử. Bên cạnh đó, trong tương lai cần phải có sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa nhãn hàng với các sàn thương mại điện tử để củng cố, đảm bảo quyền lợi chung cho các bên.
Vấn đề tiếp theo là hiện nay các đơn vị trong lĩnh vực công nghệ đang bị quản lý quá chặt chẽ, khắt khe, từ đó vô hình tạo nên rào cản tâm lý, cản trở sự phát triển của các đơn vị này. Vì vậy, doanh nghiệp mong muốn các Bộ, ngành bằng cách nào đó sẽ xây dựng hệ thống luật với các cơ chế, chính sách cởi mở hơn để thúc đẩy các đơn vị trong lĩnh vực công nghệ phát triển.
Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP cũng sẽ khắc phục những vướng mắc, bất cập trong luật hiện tại, đồng thời hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về thương mại điện tử, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến, đặc biệt tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của thương mại điện tử, phát triển kinh tế số và chuyển đổi số hiện nay.
Ngoài các ý kiến góp ý, một số doanh nghiệp tham gia hội thảo đã đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến Nghị định. Điều này thể hiện được sự quan tâm của các doanh nghiệp về luật thương mại điện tử rất lớn. Đại diện Cục cũng đã giải đáp các vấn đề thắc mắc từ các doanh nghiệp, đồng thời sẽ tiếp tục lấy ý kiến góp ý để sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện Nghị định về thương mại điện tử.
Vũ Khánh