Hôm 27/12, cuộc hội thảo Điện ảnh châu Á đương đại - những vấn đề lịch sử, mỹ học và phong cách đã được tổ chức tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, phê bình điện ảnh trong nước.
Hội thảo do khoa Văn học - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức, với sự tham gia của đại diện Hội điện ảnh Việt Nam - đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh, đại diện Hãng phim truyện Việt Nam - đạo diễn Phạm Nhuệ Giang cùng các giảng viên, nhà nghiên cứu đến từ Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, Trung tâm Hanoi DOCLAB…
Hội thảo đặt vấn đề chuyên sâu về điện ảnh châu Á đương đại từ những năm 1990 đến nay, trong sự đa dạng và giao lưu văn hoá của các nền điện ảnh dân tộc như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Iran, Ấn Độ, Việt Nam…
Bên cạnh những tham luận có tính khái quát cao về lịch sử điện ảnh, điện ảnh dân tộc, một số hiện tượng, trào lưu như nhóm thế hệ thứ năm, thứ sáu của điện ảnh Trung Quốc, văn hóa đại chúng trong điện ảnh Nhật Bản, Hàn Quốc, phim thử nghiệm, phim tiên phong hay phong cách tác giả một số đạo diễn tiêu biểu như Thái Minh Lượng, Hầu Hiếu Hiền, Apichatpong, Abbas Kiarostami, Kim Ki-duk… đã được đề cập đến trong cuộc hội thảo.
Liên hệ từ các nền điện ảnh trong khu vực, đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh chia sẻ quan điểm cho rằng, nền điện ảnh dân tộc của Iran với những bước phát triển đáng ghi nhận trong thời gian gần đây là một trong số những nền điện ảnh đáng học hỏi nhất cho Việt Nam.
Đây là một trong số những hoạt động khoa học thường kỳ của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Cũng qua đây, một số hội thảo điện ảnh khác về các vấn đề còn đang gợi mở, gây tranh cãi sẽ tiếp tục được đưa vào kế hoạch tổ chức trong thời gian sắp tới.
Anh Mai