Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) phối hợp Ban Kinh tế Trung tổ chức hội thảo "Đánh giá tình hình thực hiện các chủ trương, định hướng về chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam", vào sáng 8/9, tại Hà Nội. Tại sự kiện, các đại biểu đưa ra những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cho giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Phát biểu khai mạc, ông Lê Mạnh Hùng - Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, cho biết sau hơn 7 năm, Petrovietnam cơ bản hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ được giao trong định hướng chiến lược phát triển ngành dầu khí. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, đơn vị gặp không ít khó khăn, thách thức tác động đến sự phát triển của ngành dầu khí Việt Nam như: phạm vi, địa bàn hoạt động, cơ chế chính sách, thị trường...
"Những vấn đề này cần được phân tích, đánh giá toàn diện, khách quan để có thể điều chính chiến lược trong thời gian tới", ông Hùng nhấn mạnh.
Tham dự hội thảo, ông Nguyễn Đức Hiển - Phó trưởng ban Kinh tế trung ương, Phó trưởng ban chỉ đạo, Tổ trưởng tổ biên tập, trình bày những nội dung chính của dự thảo báo cáo định hướng chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam. Ông nhấn mạnh tổ biên tập xây dựng đề án mong muốn lắng nghe ý kiến góp ý của chuyên gia, nhà quản lý của Petrovietnam và các bộ ngành liên quan về công tác tuyên truyền, triển khai đề án, đặc biệt là vấn đề thể chế hóa; kết quả thực hiện mục tiêu tổng quát, cụ thể; thảo luận, đánh giá về kết quả đạt được, hạn chế...
Ông cũng đề nghị các chuyên gia nêu nhận định, thảo luận thẳng thắn, khách quan về bối cảnh trong nước, quốc tế; đề xuất quan điểm, mục tiêu, định hướng cụ thể, đặc biệt là những vấn đề lớn như: thị trường dầu khí, xây dựng hạ tầng ngành dầu khí; hợp tác quốc tế, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững ngành dầu khí... Trong đó, Petrovietnam giữ vai trò hạt nhân với tư cách là tập đoàn công nghiệp năng lượng quốc gia.
Trong suốt hội thảo, các đại biểu tập trung đánh giá tình hình triển khai thực hiện đề án và thảo luận về một số vấn đề như: tiềm năng của ngành dầu khí Việt Nam; cách tiếp cận và tư duy mới về chiến lược phát triển trong tình hình mới; hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045...
Các đại biểu đưa ra những kiến nghị, đề xuất nhằm đảm bảo bắt kịp xu hướng thời đại cũng như tháo gỡ những tồn tại, xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù riêng đảm bảo phát triển ngành dầu khí nhanh, bền vững. Tất cả cần sớm trình Bộ Chính trị xem xét ban hành nghị quyết mới về "Định hướng chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
(Nguồn: Petrovietnam)