Robot có tên CIMON-2 (Crew Interactive Mobile Companion) đã làm việc cùng hai phi hành gia châu Âu trong các nhiệm vụ trước đây ở ISS những năm gần đây và mới cập nhật phần mềm cho phép thực hiện nhiều nhiệm vụ phức tạp hơn cùng với thành viên mới trên trạm cuối năm nay.
Robot hình cầu trôi nổi với gương mặt hoạt hình được lưu trữ từ khi phi hành gia Luca Parmitano của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) quay về Trái Đất vào tháng 2/2020. CIMON thức tỉnh lần nữa trong nhiệm vụ sắp tới của phi hành gia người Đức Matthias Maurer, người sẽ tới ISS trên tàu Dragon của SpaceX trong nhiệm vụ Crew-3 vào tháng 10 năm nay.
Trong vòng 1,5 năm từ khi kết thúc nhiệm vụ gần nhất, các kỹ sư đã làm việc để cải tiến kết nối của CIMON với Trái Đất, cung cấp dịch vụ trơn tru hơn cho phi hành gia, theo quản lý dự án CIMON Till Eisenberg ở Airbus. Airbus phụ trách phát triển mẫu robot thông minh cùng với Trung tâm hàng không vũ trụ Đức DLR và Đại học LMU ở Munich.
"Robot hình cầu chỉ là bộ phận tương tác", Eisenberg giải thích. "Tất cả quá trình nhận dạng giọng nói và sử dụng trí tuệ nhân tạo diễn ra trên Trái Đất, ở trung tâm dữ liệu của IBM ở Frankfurt, Đức. Tín hiệu từ CIMON phải truyền qua vệ tinh và trạm mặt đất tới trung tâm dữ liệu và ngược lại. Chúng tôi tập trung vào nâng cấp độ mạnh của kết nối để giảm gián đoạn".
CIMON dựa vào phần mềm tổng hợp và nhận dạng giọng nói Watson của IBM để giao tiếp với các phi hành gia và đáp lại mệnh lệnh của họ. Robot thế hệ đầu tiên bay tới trạm vũ trụ với Alexander Gerst năm 2018. Cỗ máy được đưa về Trái Đất sau đó và hiện nay đang nằm ở bảo tàng tại Đức. Robot hiện nay, CIMON-2, là thế hệ thứ hai. Khác với bản tiền nhiệm, nó điều chỉnh theo trạng thái cảm xúc của phi hành gia tốt hơn nhờ công nghệ Phân tích tông giọng Watson, đồng thời có thời gian phản ứng ngắn hơn.
"Trong giai đoạn đầu tiên của quá trình phát triển, chúng tôi có độ trễ khoảng 10 giây nên robot không tiện dụng lắm. Thông qua cải tiến cơ cấu phần mềm, chúng tôi đã giảm độ trễ xuống hai giây, vừa kịp cho nhiệm vụ đầu tiên. Với nhiều nâng cấp phần mềm mới, hiện nay chúng tôi đang cố gắng loại bỏ sự chậm trễ có thể xảy ra khi mất liên lạc", Eisenberg chia sẻ.
Airbus và DLR đã ký hợp đồng với ESA để CIMON-2 làm việc với 4 phi hành gia trên trạm ISS trong những năm tới. Trong 4 nhiệm vụ liên tiếp, các kỹ sư sẽ kiểm tra phần mềm mới của CIMON lần đầu tiên, tiến tới cho phép robot hình cầu tham gia những thí nghiệm phức tạp hơn. Trong đó, CIMON sẽ hướng dẫn và ghi lại quy trình khoa học hoàn chỉnh. Phần lớn hoạt động mà các phi hành gia tiến hành diễn ra theo quy trình từng bước. Thông thường, họ phải sử dụng máy tính để theo sát, nhưng CIMON có thể giúp họ rảnh tay bằng cách trôi nổi bên cạnh, nghe lệnh và đọc quy trình, mở video, ảnh chụp và giải thích trên màn hình.
Mẫu robot cũng có thể tìm kiếm thêm thông tin và ghi chép thí nghiệm thông qua quay phim và chụp ảnh. Các nhà khoa học sẽ thu thập phản hồi từ phi hành gia để xem xét độ hữu dụng của robot hình cầu và xác định điểm cần cải tiến ở những phiên bản tương lai của CIMON.
Hiện nay, CIMON chỉ được huấn luyện để định vị trong module Columbus của ESA. Robot hình cầu nặng 5 kg trôi nổi xung quanh nhờ những dòng khí nhỏ. Bộ cảm biến siêu thanh cùng với camera âm thanh nổi giúp robot định vị trong không gian, tránh va vào tường và các thiết bị. CIMON cũng trang bị camera độ phân giải cao cho phép nhận dạng gương mặt của từng phi hành gia. Hai camera nhỏ hơn ở bên cạnh được sử dụng để chụp ảnh và quay video. Tổng cộng 9 microphone giúp CIMON nhận biết nguồn âm thanh, phát hiện và ghi lại giọng nói.
Trong tương lai, nhóm nghiên cứu hy vọng có thể để CIMON hoạt động độc lập với trung tâm dữ liệu trên mặt đất. Phi hành gia trong các nhiệm vụ tương lai tới Mặt Trăng và sao Hỏa chắc chắn cần robot trợ giúp. Tuy nhiên, những nhiệm vụ như vậy không thể chờ xử lý giọng nói từ Trái Đất.
An Khang (Theo Space)