Chiều 20/6, người đàn ông, ngụ Long An, được bác sĩ Đơn vị Tạo hình Niệu đạo, Bệnh viện Bình Dân cùng giáo sư Joel Gelman (Đại học UC Irvine, Mỹ) mổ tạo hình niệu đạo thành công. Ca mổ được truyền hình trực tiếp từ phòng phẫu thuật để các y bác sĩ học tập kinh nghiệm xử trí tình huống.
Bệnh nhân hẹp niệu đạo phức tạp kèm sỏi niệu đạo, không thể đi tiểu bình thường, từng nội soi ngược chiều để tán sỏi kẹt niệu đạo. Tuy nhiên tình trạng tiểu khó kéo dài, tiến triển nặng đến mức hoàn toàn bí tiểu. Các bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân, mở bàng quang ra da để dẫn lưu nước tiểu, đồng nghĩa ông phải sống chung với túi nước tiểu gây nhiều bất tiện trong cuộc sống, sinh hoạt.
Niệu đạo là đường ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài cơ thể. Ở nam giới, đây còn là đường dẫn tinh trùng. Hẹp niệu đạo có thể gây tiểu khó, tiểu gấp, tiểu đau, dòng nước tiểu yếu, lượng nước tiểu giảm, nước tiểu sậm màu hoặc máu trong nước tiểu, đau bụng dưới, tiết dịch niệu đạo...
Bác sĩ Đỗ Lệnh Hùng, Trưởng Đơn vị Niệu đạo, Bệnh viện Bình Dân, cho biết nguyên nhân thường gặp gây hẹp, đứt niệu đạo tại Việt Nam là do tai nạn giao thông, tai nạn lao động. Bệnh cũng có thể xuất phát từ các tai biến phẫu thuật liên quan tiết niệu, viêm nhiễm niệu đạo kéo dài điều trị không hiệu quả, người bất thường bẩm sinh...
Hẹp niệu đạo nếu không được điều trị sẽ tắc nghẽn hoàn toàn, gây bí tiểu đột ngột rất nguy hiểm. Tắc nghẽn lâu dài ảnh hưởng đến chức năng của bàng quang và chức năng thận, nhiễm trùng hoặc sỏi đường tiết niệu, suy thận và gây vô sinh ở nam giới vì không có đường thoát tinh dịch ra ngoài. Người bệnh mang túi nước tiểu bệnh hông sẽ ảnh hưởng cuộc sống, khả năng lao động, sinh hoạt, tâm lý và tăng gánh nặng xã hội bởi họ chủ yếu ở độ tuổi lao động.
Trước đây, hẹp niệu đạo được điều trị bằng cách mở bàng quang ra da, nong niệu đạo hay tạo hình niệu đạo từ một cho đến nhiều lần. Thực hiện đúng kỹ thuật tạo hình có thể hẹp tái phát, người bệnh phải phẫu thuật nhiều lần hoặc chịu cảnh đeo túi chứa nước tiểu suốt đời. Tại các nước không có chuyên gia tạo hình niệu đạo được đào tạo tốt, trang thiết bị chuyên dụng, tỷ lệ phẫu thuật thành công thường thấp hơn 16%.
Nhờ giáo sư Joel Gelman chuyển giao trực tiếp từ năm 2015, Bệnh viện Bình Dân dần làm chủ các kỹ thuật tạo hình niệu đạo. Hiện, tỷ lệ thành công trong phẫu thuật tạo hình niệu đạo tại bệnh viện đạt 98%, tương đương với kết quả các trung tâm tạo hình niệu đạo hàng đầu tại Mỹ. Nhiều người sau mổ có thể tiếp tục học tập, công việc, hòa nhập cuộc sống, lập gia đình, sinh con, không ghi nhận tái phát hẹp niệu đạo.
Theo bác sĩ Hùng, số ca mổ tại đơn vị tăng dần mỗi năm. Thời gian đầu, bệnh viện phẫu thuật tạo hình khoảng 250 trường hợp, sau đó tăng dần lên hơn 500 ca một năm. Năm qua, nơi này thực hiện hơn 800 trường hợp. Trong số này, rất nhiều trường hợp khó do chấn thương phức tạp và những can thiệp y tế không phù hợp từ trước, đòi hỏi các bác sĩ phải phối hợp nhiều phương pháp tạo hình.
PGS.TS.BS Nguyễn Phúc Cẩm Hoàng, Phó giám đốc Bệnh viện Bình Dân, cho biết đây là cơ sở y tế duy nhất cả nước có Đơn vị Tạo hình Niệu đạo, dự kiến sẽ phát triển thành Khoa Phẫu thuật Tạo hình Niệu đạo. Bệnh viện cũng từng bước xây dựng trung tâm huấn luyện về phẫu thuật tạo hình niệu đạo tại khu vực. Những năm qua, nhiều bác sĩ từ Australia, Malaysia, Indonesia... đến Bệnh viện Bình Dân học tập kinh nghiệm để cải thiện kết quả điều trị cho người bệnh.
Lê Phương