Câu chuyện của Tôn Ca, người đàn ông 40 tuổi đến từ tỉnh Liêu Ninh, đã gây chú ý trên nhiều trang mạng xã hội Trung Quốc giữa tháng 3/2024.
Theo đó hai năm trước, cha của Tôn được chẩn đoán mắc ung thư biểu mô tuyến ruột thừa, một căn bệnh hiếm gặp và tỷ lệ mắc rất thấp. Để cứu sống cha, người con trai đã đưa ông đi khắp các bệnh viện trong nước, thậm chí ra nước ngoài điều trị nhưng không có kết quả.
"Cuộc sống của ông cứ dần tàn lụi trước mắt tôi", Tôn kể. Người cha đã mất vào tháng 5/2023 sau nhiều đợt hóa trị.
Hiểu rằng bà nội 91 tuổi - người đang điều trị bệnh tim trong bệnh viện - không thể trụ nổi nếu biết tin con trai mất nên Tôn bàn với gia đình giấu kín thông tin. Mỗi lần về thăm bà, cháu trai đều thông báo, bố anh đang điều trị trong một viện lớn ở Bắc Kinh, sức khỏe dần ổn định.
Nhưng đến Tết 2024, vì quá nhớ con trai nên người bà đòi đi Bắc Kinh. Lúc này Tôn lấy lý do, vì phải điều trị căn bệnh đặc biệt nên bác sĩ hạn chế người đến thăm nom. Thấy bà dần nghi ngờ, anh hứa sẽ đến Bắc Kinh quay video cha mình rồi mang về cho bà xem.
"Trước khi qua đời, cha đã yêu cầu tôi phải chăm sóc tốt cho bà nội. Không nên để bà bị sốc vì bất kỳ việc gì mà ảnh hưởng tới sức khỏe", Tôn giải thích cho lời nói dối của mình.
Nhiều tháng trước, người đàn ông này biết tới công nghệ AI có thể "hồi sinh" người chết qua một bộ phim tài liệu. Thấy trên mạng cũng có nhiều phần mềm thay đổi khuôn mặt nên anh nảy ra ý tưởng "hồi sinh" cha mình qua AI.
Ban đầu Tôn nghĩ chỉ cần tạo ra khuôn mặt giống bố rồi giả giọng ông để gửi cho bà nội, nhưng mọi việc không đơn giản như vậy. Từ tìm phần mềm phù hợp cho đến việc để râu cho giống với hình ảnh của người cha khi còn sống, anh đã mất nửa tháng. Người đàn ông này sau đó đã sử dụng công nghệ AI deepfake để quét video và ảnh chân dung một người rồi hợp nhất với video riêng biệt. Giọng nói, các chi tiết như mắt, miệng, mũi và chuyển động gương mặt sẽ được thay thế như thật.
Sử dụng những bức ảnh cũ và phần mềm hoán đổi khuôn mặt, Tôn đặt khuôn mặt của người cha lên khuôn mặt của mình và bắt chước giọng nói của ông. Trước khi quay video, anh tưởng tượng cha và bà nội đang trò chuyện về việc gia đình. Để đảm bảo tính hiệu quả, Tôn thuê một căn phòng riêng biệt để yên tâm hoàn thành công việc.
Sau khi video hoàn thành, Tôn gửi cho cô ruột - người đang chăm sóc bà nội - kiểm tra trước. Anh cho rằng, nếu mọi người xung quanh cảm thấy chân thật thì bà nội sẽ không nhận ra sự bất thường.
"Mẹ, con là Kỳ Hải, con vẫn đang ở Bắc Kinh. Ở đây không lạnh bằng ở nhà. Bệnh của con đang hồi phục tốt, lại thường xuyên được các cháu dẫn đi dạo nên tinh thần cũng thoải mái...." Những câu nói trong video Tôn thực hiện khiến bà nội vừa cầm điện thoại vừa khóc nấc, nhưng sau đó lại trút được lo lắng về bệnh tình con trai mình.
Sau khi câu chuyện của Tôn được chia sẻ lên mạng xã hội, nhiều người đã liên hệ với anh mong được giúp đỡ để nhìn thấy người thân đã khuất thông qua công nghệ này. Tuy nhiên Tôn đưa ra lời khuyên: "Nếu không cần thiết, tôi nghĩ không nên làm việc này. Thật khó bình tĩnh khi nhìn thấy người thân đã khuất lại xuất hiện trước mặt mình như thể họ còn sống", anh nói.
Điều động viên người đàn ông này sau khi câu chuyện được chia sẻ là nhiều người đã để lại lời nhắn, nói rằng họ sẽ thường xuyên về thăm ông bà, cha mẹ hơn.
"Hiện tôi cũng dành nhiều thời gian hơn cho những người thân yêu của mình", Tôn nói.
Trang Vy (Theo sohu)