Giữa trưa, ông Lê Minh Tâm, 49 tuổi, ở thôn Thiện Hòa, xã Thiện Nghiệp đội chiếc mũ lưỡi trai ra thăm chuồng dông nằm giữa bãi đất trống. Khu chuồng dông rộng hơn 2.000 m2 được khoanh lại bằng các tấm tôn xi măng cũ. Nghe tiếng người, hàng trăm con dông đang phơi nắng trên cát liền chui xuống hang, chạy mất hút. "Dông có đặc tính rất nhát người, hễ nghe tiếng động là nó trốn xuống hang ngay", ông Tâm nói.
Dông là loài sống tự nhiên trên vùng đồi cát ven biển Bình Thuận, nhất là ở vùng đất Thiện Nghiệp kề Mũi Né. Khoảng năm 2006, nhu cầu sử dụng cho du lịch tăng cao, nông dân địa phương đã nuôi thử nghiệm nuôi dông theo kiểu bán hoang dã mang lại thành công. Sau đó, nuôi dông trở thành nghề thịnh hành vì chi phí đầu tư thấp, ít công chăm, nhưng lại có thu nhập tốt hơn trồng hoa màu và dưa lấy hạt.
Ông Tâm cho biết, hơn chục năm trước gia đình ông từng nuôi dông để tăng thu nhập. Năm 2020, khi Covid-19 xuất hiện, dông bắt đầu rớt giá, có thời điểm không ai mua do các nhà hàng ở phải Phan Thiết phải đóng cửa chống dịch. Ông cũng như nhiều hộ nuôi dông ở xã Thiện Nghiệp bỏ nghề. Họ chỉ nuôi cầm chừng một ít để giữ giống và làm thực phẩm cho gia đình.
Từ hè năm ngoái, du lịch Bình Thuận bắt đầu phục hồi sau đại dịch, khách trong nước và quốc tế quay trở lại Mũi Né - Phan Thiết đông hơn. Các khu du lịch và nhà hàng mở cửa đón khách, nhờ đó nhu cầu sử dụng các món đặc sản của địa phương tăng trở lại, trong đó có ăn món chế biến từ dông.
Theo ông Tâm, thịt con dông nấu đơn giản, nhưng rất ngon. Các món thông dụng thường được người dân địa phương chế biến từ dông như: nướng, kho dừa khô, trộn gỏi lá rừng; dông nấu với lá me, lá xây, rau cải hoặc bằm nhỏ xúc bánh tráng, đổ bánh xèo.
Gần đây, nhiều quán ăn và nhà hàng ở Mũi Né - Phan Thiết đi tìm nguồn dông chế biến món ăn bán cho khách du lịch nhưng hàng khan hiếm do nhiều hộ đã bỏ nghề hoặc chỉ nuôi cầm chừng. Nhận thấy thị trường tiêu thụ mạnh nhưng nguồn cung thiếu, ông Tâm và một số hộ khác quyết định nuôi dông trở lại. "Tôi đã thả hơn 600 con dông giống nuôi, hy vọng vài tháng tới, xuất chuồng lứa đầu, gia đình sẽ có thêm thu nhập", ông Tâm nói.
Gần đó, ông Nguyễn Văn Hoàng cũng nuôi 700 con dông trong khu chuồng rộng 2.500 m2 trên đất cát trắng. Nông dân này cho biết chỉ cần giữ giá ổn định 500-600 nghìn đồng một kg như hiện nay, con dông sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bởi vốn đầu tư cho loại vật nuôi bán hoang dã này rất thấp. Chi phí chuồng trại ít, chỉ tốn vài triệu mua tôn cũ. Thức ăn nuôi dông cũng đơn giản, một ngày chỉ cần cho chúng vài bó rau vào buổi sáng.
"Chúng tự đào hang, uống sương, tìm thêm thức ăn (côn trùng, cây cỏ) ngoài tự nhiên, rất ít công chăm sóc", ông Hoàng nói và cho biết một mình ông nuôi chơi, nhưng có thể thu về hàng chục triệu đồng.
Dông giống con bằng ngón tay, sau 6-8 tháng, chúng trưởng thành, bắt đầu sinh sản và có thể thu hoạch. Trung bình mỗi con được khoảng 200 g (5 con được 1 kg). Nếu nuôi hơn một năm, mỗi con nặng khoảng 250-300 g. Theo ông Hoàng, còn khoảng một tháng nữa dông mới xuất chuồng, nhưng đã có công ty ở địa phương đặt hàng bao tiêu sản phẩm toàn bộ, nên các hộ nuôi đều an tâm. Do đó, sắp tới ông sẽ mở rộng khu chuồng nuôi lên gấp đôi.
Ông Trần Ngọc Hận, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thiện Nghiệp, cho hay hiện nay toàn xã có khoảng 20 hộ nông dân đang khôi phục lại nghề nuôi dông cát với quy mô chuồng trại mỗi gia đình từ 1.000 m2 trở lên. Đây là tín hiệu đáng mừng sau nhiều năm nghề nuôi loại đặc sản lợi thế này ở địa phương bị khựng lại do bấp bênh đầu ra.
Theo ông Hận, qua khảo sát thực tế, hội nông dân xã nhận thấy hoạt động du lịch tại khu vực Mũi Né - Hàm Tiến (kề xã Thiện Nghiệp) đang hồi phục. Nhu cầu của thực khách đối với món đặc sản này đang tăng dần nên người nông dân không phải lo về đầu ra. "Hiện, nhiều nhà hàng đến Thiện Nghiệp mua dông với giá 800 ngàn đến một triệu đồng một ký, nhưng vẫn không đủ nguồn hàng", ông Hận nói.
Việt Quốc