Ngày 17/12, PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Phó chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết bệnh nhân bị đột quỵ lần thứ nhất năm 2019, do tắc động mạch não giữa bên phải.
Người bệnh từ Ninh Thuận được chuyển đến bệnh viện vào khoảng giờ thứ 12 sau khởi phát. Bác sĩ can thiệp lấy huyết khối bằng dụng cụ, tái thông hoàn toàn mạch máu, giúp bệnh nhân phục hồi vận động bình thường.
Tháng 10 năm nay, bệnh nhân bị đột quỵ tái phát lần thứ hai do tắc động mạch não giữa bên trái, cũng được chuyển đến Bệnh viện Nhân dân 115 và can thiệp lấy huyết khối thành công.
Khi đến tái khám tại bệnh viện sau hai tuần, bệnh nhân đột ngột liệt nửa người bên phải. Bác sĩ phát hiện bị tắc động mạch cảnh trong bên trái, can thiệp lấy huyết khối, tái thông hoàn toàn. Một tuần sau xuất viện, dù chưa tự đi lại được, nhưng sức cơ tay và chân bên trái đã cải thiện đáng kể.
Theo bác sĩ Thắng, người bị đột quỵ 3 hay 4 lần không hiếm. Điều ít gặp là bị 2-3 lần vẫn hồi phục bình thường. Y văn hiện nay ghi nhận dù lấy huyết khối bằng dụng cụ là phương pháp điều trị đột quỵ cấp hiệu quả nhất, song tỷ lệ bệnh nhân phục hồi tốt chỉ vào khoảng 50%. Do vậy, khả năng thành công sau lần thứ hai sẽ thấp hơn rất nhiều, và cũng khó có cơ hội được can thiệp đến lần thứ ba.
"Phục hồi được đến sau 3 lần tắc mạch máu não lớn là cực kỳ hy hữu và may mắn", bác sĩ Thắng nói, thêm rằng chỉ một lần tắc mạch máu não lớn, tỷ lệ tử vong 40%, tàn phế nặng gần 70%.
Dù vậy, lãnh đạo Hội Đột quỵ Việt Nam cho rằng "kỷ lục" này nói lên thực trạng đáng buồn tại Việt Nam là kém hiệu quả trong phòng ngừa đột quỵ. Nguyên nhân gây 3 lần đột quỵ của bệnh nhân đều do một "thủ phạm" duy nhất là rung nhĩ. Người bệnh này có điều trị phòng ngừa tái phát sau đột quỵ, nhưng không tuân thủ tối ưu.
Bác sĩ khuyến cáo mọi người cần khám sức khỏe định kỳ. Nếu phát hiện những thủ phạm chính gây đột quỵ nói chung như tăng huyết áp, đái tháo đường, rung nhĩ... cần dùng thuốc kiểm soát lâu dài. Nhóm này nếu không kiểm soát hiệu quả các vấn đề thì biến cố đột quỵ xảy ra gần như chắc chắn.
Tránh những yếu tố gây nguy cơ đột quỵ bằng cách ngưng hút thuốc lá, hạn chế bia rượu, kiểm soát cân nặng, dinh dưỡng hợp lý, vận động thể lực đều đặn.
Sau khi đột quỵ lần đầu thì nguy cơ tái phát rất cao, đặc biệt trong thời gian đầu. Bệnh nhân cần tuân thủ thuốc điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, duy trì các thuốc phòng ngừa lâu dài, không nên tự ý dừng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ và phải tái khám đều đặn.
Đến viện ngay khi có một trong các triệu chứng tê hoặc yếu vùng mặt, tay hoặc chân để có thể được điều trị kịp thời trong thời gian vàng những giờ đầu. Lưu ý khi triệu chứng xảy ra một bên cơ thể, méo miệng, đột ngột không nói được hoặc khó nói, nhìn mờ, đau đầu, chóng mặt, mất thăng bằng...
Lê Phương