Sau khoảng 2 tháng phẫu thuật và nuôi cơ, tập vật lý trị liệu, Hoàng Vinh (Đồng Nai) đã có thể đi lại bình thường, chơi môn bóng đá yêu thích. Điều mà khi bị tai nạn, chàng trai 21 tuổi tưởng chừng không thể nào có thể.
Được gia đình đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, bàn chân của Vinh trong tình trạng dập nát cơ, lóc toàn bộ da chân, lộ xương do bị xe nâng hàng lùi trúng, cuốn bàn chân phải vào trong.
Các bác sĩ chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình đã nhanh chóng chỉ định phẫu thuật cho Vinh ngay trong đêm với mục tiêu làm sạch vết thương, tránh nhiễm trùng hoại tử vết thương để kịp thời giữ lại được bàn chân cho chàng trai trẻ.
"Tôi không dám nhìn vào bàn chân của cháu vì nghĩ tới 10 phần là bàn chân ấy không còn giữ được. Cháu còn trẻ quá, nếu có bề gì mất đi một bàn chân sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong đi lại, học tập", dì ruột của Vinh nhớ lại.
Trực tiếp điều trị ca bệnh, Thạc sĩ, bác sĩ Trương Hoàng Huy, Trung tâm chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, đánh giá chấn thương của Vinh rất nặng. Phần mềm của bàn chân dập nát, tình trạng không có da che phủ xương, mạch máu và thần kinh, nếu điều trị theo hướng thông thường, sớm muộn chân cũng sẽ hoại tử và dẫn đến phải cắt bỏ. Tuy nhiên, bác sĩ Huy và ekip đã quyết định áp dụng cùng lúc nhiều giải pháp điều trị bảo tồn, tránh tối đa nguy cơ cắt chi của bệnh nhân.
Sau khi làm sạch đất cát và cắt bỏ các phần mềm bị hư, các bác sĩ cố gắng tận dụng phần da thịt còn mạch máu nuôi để che phủ xương, gân, mạch máu, dây thần kinh... và để cứu các phần mềm.
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Anh Vũ - Phó giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh chia sẻ thêm, quan trọng nhất là phải bảo vệ được da phần gót chân vì vùng da này rất đặc biệt, không thể thay thế bằng cách vá các mảng da khác được. Mất da gót chân, dù có phẫu thuật lấy da vùng khác vá thành công, người bệnh vẫn bị mất một phần chức năng, khó có thể đi đứng, chạy nhảy như bình thường... Nếu xử lý và chăm sóc vết thương không tốt, phần gan bàn chân phát triển không thẩm mỹ cũng sẽ không thể đi giầy dép. Bệnh nhân sẽ bị đeo bám mặc cảm về bản thân và khiếm khuyết này.
Ghép da, điều trị tăng khả năng sống của mô mềm
Phương pháp điều trị đa liệu pháp tiên tiến (gồm hút chân không, tiểu phẫu ghép da từ máy bào chuyên dụng...) được tiến hành.
Liệu pháp chân không (Vacuum Therapy - VAC) được áp dụng để thúc đẩy tốc độ lành vết thương, tăng khả năng sống của mô mềm, tăng lưu lượng máu, cải thiện cung cấp oxy, giảm số lượng vi khuẩn.
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Anh Vũ chia sẻ thêm, VAC sử dụng hệ thống hút chuyên dụng nhằm tạo chân không trong toàn bộ vết thương. Dưới tác dụng của lực hút (thường dùng 75-125 mmHg), tạo áp lục âm sẽ hút liên tục dịch phù nề ứ đọng và những mảnh tổ chức hoại tử nhỏ trong vết thương. Bên ngoài vết thương có foam trùm ngoài, bịt kín bằng tấm dán đặc biệt dính chắc vào da, ngăn không khí từ môi trường xung quanh không bị hút qua vết thương vào hệ thống tạo áp lực âm.
5-7 ngày, bệnh nhân mới cần thay băng và dụng cụ hút một lần, tránh được sự đau đớn khi thay băng, vẫn có thể sinh hoạt hàng ngày nhẹ nhàng. Song quan trọng nhất là tránh nguy cơ nhiễm trùng và kích thích tốt các tổ chức mô mềm phát triển nhanh hơn để đẩy nhanh tốc độ hồi phục.
Khi tổn thương đã ổn định, các bác sĩ tiến hành tiểu phẫu ghép da từ da vùng đùi bằng máy bào chuyên dụng, có khả năng lấy da mỏng đến 0,1 mm. Một miếng da có kích thước chỉ bằng 1/2 bàn tay được lấy ra và ghép vào vết thương.
"Với phương tiện hiện đại này, người bệnh bị mất lượng da chỉ bằng 1/4 so với cách vá da truyền thống, giảm đau đớn, tránh được biến chứng mất tế bào, hạn chế tổn thương do phẫu thuật, bác sĩ lại có thể lấy được đúng kích thước da và độ dày lý tưởng. Chỉ sau khoảng 30 phút gây tê, ghép da đã hoàn thành", bác sĩ Huy nói.
Việc phối hợp đa liệu pháp còn bao gồm kích thích tăng trưởng biểu mô bằng oxy tại chỗ (oxy cao áp) giúp da sản sinh nhanh, tăng tốc độ chữa lành. Thông thường da chỉ tăng trưởng được khoảng 1mm/ngày. Vùng da bị thương tổn lành nhanh hơn nhiều lần và bao phủ vết thương nhanh chóng. Sau 6 tuần, Vinh có thể bỏ nạng, đi lại bình thường và hoàn thành quá trình điều trị ở tuần thứ 8.
"Khi bị tai nạn, em chỉ dám mơ mình đi đứng được đã là tốt lắm rồi. Giờ có thể đi lại bình thường, chạy nhảy, đá bóng... em rất hạnh phúc. Em không nghĩ là bàn chân mình có thể hồi phục nhanh và nguyên vẹn như thế", Vinh nói thêm.
Thạc sĩ, bác sĩ Trương Hoàng Huy cho biết tai nạn của Vinh khá thường gặp trong lao động sản xuất, giao thông. Bác sĩ lưu , mỗi người nên trang bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ lao động, luôn chú ý quan sát những nguy cơ tai nạn lao động xung quanh. Trường hợp chẳng may tai nạn, trước tiên dùng nước sạch rửa sạch vết thương, bọc vết thương bằng vải sạch và đưa đến cơ sở y tế càng nhanh càng tốt. Nếu có thể thì đến thẳng các bệnh viện có các trung tâm chấn thương chỉnh hình hiện đại để được điều trị bảo tồn, tránh nguy cơ phải cắt bỏ chi thể đáng tiếc.
Nếu bị đứt lìa một phần chi thể, cần bọc phần đứt lìa bằng vải sạch, đặt trong túi nilon sạch và bảo quản bằng thùng mát. Tuyệt đối không ngâm trực tiếp chi thể trong nước đá hoặc bọc chặt trong nilon để nóng vì sẽ làm hư hỏng phần chi thể, không thể thực hiện việc nối ghép.
Anh Ngọc