Ông Thiều cho biết mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu đơn vị nêu quan điểm về đề xuất xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú cho các lĩnh vực nhiếp ảnh, kiến trúc, soạn giả sân khấu và tác giả văn học.
Sau khi hỏi ý kiến hội viên thuộc nhiều lứa tuổi, Hội thống nhất quan điểm: Đồng tình chủ trương mở rộng đối tượng được trao danh hiệu, nhưng không phải nhà văn.
Trong công văn gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội viết: "Các nhà văn có sứ mệnh, trách nhiệm cao cả, tác phẩm của nhà văn phản ánh hiện thực cuộc sống, viết lên tiếng lòng của nhân dân, các nhà văn có thiên chức đặc biệt cảnh báo và dự báo xã hội. Để đánh giá một nhà văn phải thông qua giá trị tác phẩm, tác phẩm có giá trị phải có tính lan tỏa rộng lớn và tác động mạnh mẽ tới nhân dân, tới xã hội. Khó có định lượng cụ thể nào cho một tác phẩm của nhà văn để mang ra xét Nhà văn Ưu tú hay Nhà văn Nhân dân. Nhà văn không phải nghệ sĩ. Đối với người lao động sáng tạo trong văn học, danh xưng 'nhà văn' là cao quý, thiêng liêng".
Các nhà văn hiện có nhiều giải thưởng danh giá để tôn vinh, phấn đấu, điển hình như giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh, các giải của Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật, Hội Nhà văn. Do đó, theo ông Thiều, các tác giả không cần thêm một danh hiệu.
Nhà thơ Anh Ngọc cho rằng nghề viết mang tính đặc thù, là một hoạt động độc lập, thể hiện tính sáng tạo cá nhân. "Phần thưởng lớn nhất của nhà văn là tác phẩm, sự công nhận của độc giả, tính trường tồn với thời gian. Còn danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú, chúng ta hãy dành riêng cho các nghệ sĩ biểu diễn, những người thuộc về công chúng", ông Anh Ngọc nói.
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nhận định các danh hiệu đang rơi vào tình trạng "ngày càng nhạt", nhiều Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú mà ít người biết họ là ai. Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh cũng khó tìm được người xứng tầm. "Theo tôi, Nhà nước nên tìm cách nâng cao chất lượng xét duyệt thay vì mở rộng đối tượng, khiến danh hiệu rẻ rúng đi. Danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú chỉ nên dành cho những người biểu diễn, còn các kiến trúc sư, nhà văn, nhạc sĩ, soạn giả đã có các giải thưởng thuộc hội chuyên môn", ông Nguyên nói.
Trước đó, trong cuộc họp ngày 27/5 (kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 15) về Dự thảo Luật Thi đua, Khen thưởng (sửa đổi), một số đại biểu đề nghị mở rộng đối tượng xét duyệt Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú cho một số lĩnh vực, ngành nghề. Ông Đỗ Văn Yên (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng danh hiệu nên được trao cho các nhạc sĩ, họa sĩ, soạn giả, nhiếp ảnh, nhà văn, kiến trúc sư, phát thanh viên. Bà Trần Thị Thu Đông (Đoàn Bạc Liêu) nêu ý kiến cần đưa vào Luật danh hiệu Kiến trúc sư nhân dân, Kiến trúc sư Ưu tú hoặc phong tặng Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân vì công trình của họ là lao động sáng tạo nghệ thuật.
Theo quy định hiện hành, danh hiệu này chỉ dành cho những người tham gia hoạt động biểu diễn trong các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.
Nghị định 89 của Chính phủ về xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú ghi tiêu chí để nghệ sĩ được trao danh hiệu là: Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống, tận tụy với nghề, có tài năng nghệ thuật xuất sắc, có uy tín nghề nghiệp, được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ; có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp từ 15 năm trở lên, riêng đối với loại hình nghệ thuật xiếc, múa thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp từ 10 năm trở lên; có ít nhất hai giải vàng quốc gia hoặc một giải vàng quốc gia và hai giải bạc quốc gia...
Với danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, tiêu chuẩn về thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp của nghệ sĩ phải từ 20 năm trở lên (với loại hình nghệ thuật xiếc, múa từ 15 năm trở lên). Đồng thời, nghệ sĩ phải nhận danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú và có ít nhất hai giải vàng quốc gia sau khi được phong tặng.
Hà Thu