Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Davos lần thứ 54 ở Thụy Sĩ và thăm chính thức Hungary, Romania từ 16 đến 22/1. Đây là sự kiện có quy mô lớn nhất từ sau đại dịch Covid-19, với sự tham dự của gần 100 lãnh đạo cấp cao các nước và tổ chức quốc tế, khoảng 3.000 lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp toàn cầu.
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng hôm nay đánh giá hội nghị là cơ hội để Việt Nam nắm bắt những tư duy, mô hình phát triển, quản trị và xu thế phát triển, nhằm lắng nghe "nhịp đập" của thế giới, từ đó tận dụng thời cơ, xu thế mới để ứng phó hiệu quả với những thách thức, phát triển kinh tế - xã hội.
Hội nghị cũng là cơ hội lý tưởng để Việt Nam chia sẻ, quảng bá những thành tựu, định hướng phát triển đất nước, chủ trương, đường lối đối ngoại, nhằm chuyển hóa môi trường đối ngoại thuận lợi thành những kết quả hợp tác kinh tế cụ thể, những dự án đầu tư thiết thực, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển đất nước nhanh và bền vững.
"Việc Việt Nam là một trong 9 đối tác được WEF đề xuất phối hợp tổ chức Đối thoại Chiến lược Quốc gia và Thủ tướng Phạm Minh Chính là một trong 8 lãnh đạo các nước có phiên đối thoại riêng với WEF thể hiện sự quan tâm, ghi nhận và đánh giá cao của WEF đối với vai trò, vị thế, quốc tế, những thành tựu và tầm nhìn phát triển của Việt Nam", Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng nhận xét.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự kiến tham dự và phát biểu tại các phiên thảo luận quan trọng của WEF. Thủ tướng cũng chủ trì nhiều tọa đàm, tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp.
WEF là một trong những diễn đàn toàn cầu uy tín, thu hút sự quan tâm và tham dự của hầu hết lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế cũng như các tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới. Việt Nam và WEF có quan hệ từ năm 1989. WEF thường mời Việt Nam tham dự các hội nghị thường niên tại Davos và các hội nghị của WEF về Đông Á.
Sau khi kết thúc WEF, Thủ tướng và phu nhân sẽ thăm chính thức Hungary và Romania. Đây là hoạt động trao đổi đoàn ở cấp thủ tướng đầu tiên giữa Việt Nam và Hungary trong 7 năm qua, và 5 năm với Romania.
Hungary và Romania là hai trong 10 nước đầu tiên trên thế giới công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Đây cũng là những quốc gia đầu tiên hỗ trợ Việt Nam hàng trăm nghìn liều vaccine cùng nhiều trang thiết bị y tế trong giai đoạn đại dịch Covid-19, góp phần giúp Việt Nam sớm vượt qua dịch bệnh và mở cửa, phục hồi kinh tế.
"Chuyến thăm của Thủ tướng có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm tiếp tục triển khai một cách nhất quán chủ trương đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại của Việt Nam, trong đó tiếp tục thúc đẩy và làm sâu sắc quan hệ với các đối tác bạn bè truyền thống", Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng nhận xét.
Thủ tướng sẽ hội đàm, hội kiến, tiếp xúc, làm việc với các lãnh đạo cấp cao của Hungary và Romania, cũng như tới thăm các địa phương, trường đại học, trung tâm nghiên cứu, doanh nghiệp, gặp gỡ bạn bè trong Hội hữu nghị Việt Nam với Hungary và Romania, cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại hai nước.
Theo Thứ trưởng, chuyến thăm sẽ góp phần gia tăng tin cậy chính trị, thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hỗ trợ lẫn nhau giữa Việt Nam với Hungary và Romania, đưa những lĩnh vực hợp tác như kinh tế, thương mại, lao động, văn hóa, giáo dục sang giai đoạn mới.
Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng là cơ hội để các nước đẩy mạnh hợp tác, nhằm kết nối Việt Nam với khu vực Trung Đông Âu và giữa hai nước với ASEAN. Điều này sẽ giúp phối hợp chặt chẽ trong giải quyết các vấn đề toàn cầu, nhằm đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Minh Sơn