Đại diện ban tổ chức, ông Duy Nguyễn - Giám đốc bộ phận account tại công ty John&Partners cho biết dịch Covid-19 đã gây ra nhiều thiệt hại cho mọi lĩnh vực của đời sống như kinh tế, văn hóa, giáo dục. Nhưng cũng chính trong giai đoạn này, những xu hướng mới lại có cơ hội phát triển với ngành F&B.
Đầu tiên phải kể đến bếp trên mây (cloud kitchen) - mô hình được các doanh nghiệp nhà hàng ẩm thực áp dụng khi phục vụ tại chỗ phải tạm dừng. Bếp đám mây đề cập đến mô hình nhà hàng chỉ bán các bữa ăn thông qua kênh giao hàng, phục vụ bữa ăn tại địa điểm khách yêu cầu.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự tăng trưởng của mô hình này là nhu cầu về dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến tăng lên trong Covid-19 khi các nhà hàng đóng cửa. Ví dụ, tháng 10 năm nay Grab đã chính thức đưa mô hình GrabKitchen đi vào hoạt động tại thành phố Thủ Đức, TP HCM, mở đầu cho sự phát triển của bếp trên mây. Sau đó, các đơn vị đầu tư tương đối bài bản như Chef Station, Food Ngon và Tasty Kitchen, Deliany lần lượt ra mắt. Bên cạnh đó, có hàng nghìn bếp quy mô nhỏ, siêu nhỏ chuyên bán món ăn, đồ uống online đã hoạt động từ lâu, tích hợp với ứng dụng Now.
Kế đến, một trong những xu hướng được các doanh nghiệp F&B áp dụng trong bối cảnh dịch là tư duy quản trị tinh gọn (lean management). Triết lý này hướng tới việc quản trị và phương thức vận hành tối ưu hóa bằng cách loại bỏ lãng phí, liên tục cải tiến để giảm thiểu chi phí giá thành, gia tăng tối đa giá trị. Song song, doanh nghiệp hướng tới việc phát triển bền vững và tin tưởng, tôn trọng người lao động.
Quản trị tinh gọn hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp F&B bằng việc giảm giá thành, tăng hiệu quả và chất lượng, rút ngắn thời gian chế biến, phục vụ, giao hàng, linh động đáp ứng thị hiếu ngày càng đa dạng của khách hàng. Phương thức này còn hỗ trợ tạo ra một môi trường văn hóa với sự tôn trọng và tin tưởng vào nguồn nhân lực, cùng với các hoạt động đảm bảo trách nhiệm xã hội - những tiêu chí cần thiết cho sự phát triển bền vững.
Sự thay đổi trong thói quen của người tiêu dùng cũng góp phần tạo nên một xu hướng mới kinh doanh các thực phẩm tốt cho sức khỏe và có nguồn gốc tự nhiên. Xu hướng này phát triển mạnh mẽ do tác động từ dịch Covid-19, người tiêu dùng ngày càng nâng cao ý thức về sức khỏe của bản thân. Từ cuối năm 2019 đến đầu năm 2020, nhiều thương hiệu F&B đã phục vụ các thực đơn thuần chay hoặc lành mạnh với nguồn gốc từ nông trại hữu cơ.
Xu hướng mua sắm trên các sàn thương mại điện tử và phân phối đa kênh trở nên rõ ràng hơn. Các loại hình thanh toán trực tuyến như ví điện tử Momo, ShopeePay, QR code... ngay trên thiết bị di động tạo được sự thuận tiện cho khách hàng, đảm bảo an toàn về yêu cầu giãn cách trong giai đoạn dịch Covid-19 phức tạp.
Sàn thương mại điện tử bắt đầu trực tuyến hóa các mặt hàng nông phẩm để thuận tiện cho giao thương mùa dịch. Phân phối đa kênh như website, ứng dụng của quán hay các ứng dụng giao đồ ăn phổ biến hiện nay như Baemin, Grab Food, GoFood, ShopeeFood... trở thành xu hướng của doanh nghiệp F&B và người tiêu dùng.
Trong bối cảnh này, ông Duy Nguyễn cho rằng, các doanh nghiệp cần chú ý đến phương pháp vận hành xuất sắc nhiều hơn nữa; chú trọng xây dựng các tiêu chí: tinh gọn, ổn định, hiệu quả, tối ưu, sáng tạo, vượt trội... thành văn hóa giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.
Với mục tiêu giúp đỡ các doanh nghiệp nhà hàng ẩm thực, Asia Food & Beverage Summit 2021 - Hội nghị thượng đỉnh lớn nhất trong năm của ngành F&B với chủ đề chính là "Vận hành xuất sắc" diễn ra ngày 10/11. Chương trình có nhiều hoạt động như thảo luận chuyên sâu, thực tiễn giữa chủ doanh nghiệp và các chuyên gia đầu ngành về các vấn đề nổi bật, cơ hội kết nối kinh doanh.
Minh Huy