Đánh giá thực trạng tình hình khối đại đoàn kết dân tộc trong hơn 16 năm đổi mới vừa qua, hội nghị khẳng định: Nhìn chung, khối đại đoàn kết toàn dân trên nền tảng liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức đã được mở rộng hơn, nội dung phong phú, đa dạng hơn. Đó là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội của đất nước. Bên cạnh đó, khối đại đoàn kết dân tộc, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân tuy đã được chăm lo củng cố và phát triển, nhưng chưa thật bền chặt và đang đứng trước những thách thức mới. Đó là lòng tin vào Đảng, Nhà nước và chế độ của một bộ phận nhân dân chưa vững chắc. Nguyên nhân có phần vì đời sống còn nhiều khó khăn, vì bất bình trước những bất công xã hội, trước tình trạng tham nhũng, quan liêu, lãng phí còn khá phổ biến và nghiêm trọng, kỷ cương, pháp luật nhiều lúc, nhiều nơi bị buông lỏng, đạo đức xã hội có mặt xuống cấp, trật tự an toàn xã hội còn phức tạp. Các vụ khiếu kiện đông người vẫn còn nhiều, có lúc, có nơi gay gắt; hệ thống chính trị ở cơ sở còn yếu kém về nhiều mặt.
Hội nghị cũng đã xác định rõ những quan điểm lớn trong việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Đặc biệt, nhấn mạnh những chủ trương, giải pháp chủ yếu nhằm củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Một là, xây dựng những định hướng chính sách nhằm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc (cả những định hướng chính sách chung và những định hướng chính sách đối với các giai cấp, tầng lớp xã hội).
Hai là, đẩy mạnh việc thực hiện dân chủ, đồng thời coi trọng giữ gìn kỷ cương, kỷ luật; phát huy mạnh mẽ vai trò của chính quyền các cấp trong việc thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, động viên nhân dân xây dựng chính quyền Nhà nước trong sạch, vững mạnh; xây dựng phong cách, tác phong công tác cán bộ, công chức chính quyền "của dân, do dân, vì dân".
Ba là, mở rộng và đa đạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân, nâng cao vai trò Mặt trận và các đoàn thể nhân dân trong việc thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc.
Bốn là, tăng cường công tác chính trị, tư tưởng, nâng cao trách nhiệm công dân, xây dựng sự đồng thuận xã hội, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước.
Năm là, xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh làm hạt nhân lãnh đạo của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng thời phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc.
Về công tác dân tộc, Hội nghị đã đánh giá khái quát thành tựu công tác dân tộc trong những năm đổi mới và khẳng định những quan điểm cơ bản về công tác dân tộc; xác định mục tiêu cụ thể công tác dân tộc đến năm 2010. Hội nghị cũng chỉ rõ những nhiệm vụ chủ yếu và cấp bách về công tác dân tộc:
- Đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống của đồng bào dân tộc thiểu số, trọng tâm là đồng bào ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa.
- Tiếp tục thực hiện các chương trình phủ sóng phát thanh, truyền hình; tăng cường các hoạt động văn hóa thông tin, tuyên truyền, hướng về cơ sở; tăng thời lượng và nâng cao chất lượng các chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc thiểu số; phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp trong văn hóa của các dân tộc.
- Đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở vùng dân tộc và miền núi theo Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX.
- Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân; không để xảy ra những "điểm nóng" về an ninh - trật tự xã hội ở vùng dân tộc và miền núi.
- Đổi mới nội dung, phương thưc công tác dân tộc cho phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Về công tác tôn giáo, Hội nghị đánh giá các tôn giáo được Nhà nước công nhận đã hoạt động theo hướng gắn bó với dân tộc, tập hợp đông đảo tín đồ trong khối đại đoàn kết toàn dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cuộc sống "tốt đời đẹp đạo", góp phần vào công cuôc đổi mới đất nước. Bên cạnh đó, tình hình tôn giáo và công tác tôn giáo còn có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định.
Trong thời kỳ mới, hội nghị nhấn mạnh cần thưc hiện các nhiệm vụ sau:
- Thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân.
- Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, xây dựng cuộc sống "tốt đời đẹp đạo" trong quần chúng tín đồ, chức sắc, nhà tu hành ở cơ sở.
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về tôn giáo.
- Phát huy tinh thần yêu nước của đồng bào có đạo, tự giác phối hợp đấu tranh làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc để phá hoại đoàn kết dân tộc, chống đối chế độ.
- Hướng dẫn các tôn giáo thực hiện quan hệ đối ngoại phù hợp với đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về chính sách tôn giáo của Nhà nước ta.
- Tổng kết việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác tôn giáo, tăng cường nghiên cứu cơ bản, tổng kết thực tiễn, góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách đối với tôn giáo, trước mắt và lâu dài.
Về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai, hội nghị khẳng định: đường lối, chủ trương đổi mới chính sách và pháp luật về đất đai của Đảng và Nhà nước đã đi vào cuộc sống, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, góp phần ổn định chính trị - xã hội. Đất đai được sử dụng có hiệu quả hơn.
Hội nghị chỉ rõ những hạn chế về hiệu quả sử dụng đất và tình trạng tùy tiện trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất; những yếu kém trong quản lý của Nhà nước về đất đai, để kéo dài tình trạng vi phạm nghiêm trọng pháp luật đất đai; những tác động tiêu cực của thị trường bất động sản do chưa có cơ chế, chính sách phù hợp và sự buông lỏng quản lý để tình trạng chuyển nhượng ngầm và sốt nhà đất gây nhiều khó khăn cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; đặc biệt là chưa phát huy tốt nguồn nội lực to lớn và quý giá về đất đai vào việc phát triển kinh tế - xã hội...
Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém là do đất đai có nguồn gốc rất phức tạp; chính sách đất đai thay đổi qua nhiều thời kỳ lịch sử; quản lý đất đai chuyển từ hành chính, bao cấp sang cơ chế thị trường kết hợp với biệp pháp hành chính, đặt ra nhiều vấn đề mới. Nhưng nguyên nhân chủ yếu là: một số chủ trương, chính sách lớn rất quan trọng của Đảng chưa được thể chế hóa. Văn bản pháp luật về đất đai ban hành nhiều nhưng thiếu đồng bộ. Chưa nhận thức đúng mức đất đai là tài sản đặc biệt của quốc gia, là nguồn nội lực quan trọng và nguồn vốn to lớn của đất nước. Vai trò đại diện chủ sở hữu của Nhà nước đối với đất đai chưa được xác định rõ. Một bộ phận cán bộ, đảng viên tha hóa, đã lợi dụng chức quyền để trục lợi, tham nhũng trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, gây ảnh hưởng xấu trong xã hội và gây bất bình trong nhân dân...
Hội nghị đã thống nhất các quan điểm chỉ đạo trong tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai:
Một là, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý; Nhà nước giao đất, cho thuê đất cho các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định lâu dài hoặc có thời hạn theo quy định của pháp luật. Không thừa nhận việc đòi lại đất đã giao cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai.
Hai là, đất là hàng hóa đặc biệt, là nguồn nội lực và nguồn vốn to lớn, rất quý giá của đất nước, có ý nghĩa kinh tế, chính trị, xã hội sâu sắc.
Ba là, khai thác, sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm và có hiệu quả, phát huy tối đa tiềm năng, nguồn lực quý giá về đất đai, đầu tư phát triển đất đai; về cả diện tích và chất lượng.
Bốn là, đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai phải phù hợp với đường lối phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của Nhà nước.
Năm là, kiên quyết lập lại trật tự về đất đai phù hợp với đường lối chính trị của Đảng. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân Việt Nam, các đoàn thể nhân dân và toàn dân trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai.
Tại Hội nghị này, Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định để ông Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an thôi giữ chức Ủy viên Ủy ban Kiểm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương và bầu bổ sung 6 người vào Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhiệm kỳ 2001-2005. Ông Nguyễn Văn Chi, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương, trưởng Ban bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương được bầu làm ủy viên ủy ban kiểm tra Trung ương và giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương và vào Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét và biểu quyết thi hành kỷ luật Ông Trương Tấn Sang, ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương bằng hình thức khiển trách vì trong thời kỳ làm Bí thư Thành ủy TP HCM (khóa VI) chưa làm tròn trách nhiệm trong việc chỉ đạo điều tra, ngăn chặn những hoạt động tội phạm của Trương Văn Cam cùng đồng bọn và có những khuyết điểm trong công tác cán bộ.
(Theo TTXVN)