Nhằm thúc đẩy quảng bá Văn học Việt với độc giả thế giới, Hội nghị Quốc tế Quảng bá Văn học Việt Nam lần thứ ba được tổ chức từ ngày 2 đến 6/3. Buổi khai mạc diễn ra sáng 2/3 tại Cung Văn hóa Hữu nghị, Hà Nội.
Phát biểu tại lễ khai mạc, nhà thơ Hữu Thỉnh - chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam - đã khái quát nền văn học Việt Nam. Theo ông, người Việt có một nền văn học lâu đời, nhiều thành tựu, nhưng lượng tác phẩm dịch ra nước ngoài hạn chế. Gần đây, một số tác phẩm của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh... được phát hành ở Pháp, Nga, Trung Quốc, Bỉ, Thụy Điển, Mỹ, Indonesia... Tuy nhiên lượng sách dịch ra vẫn quá thấp so với nhập vào. "Chúng tôi không muốn là thị trường tiêu thụ văn hóa thế giới, mà muốn giao lưu bình đẳng, lành mạnh. Trong hướng đi đó, hội nghị này là một việc làm cụ thể", Hữu Thỉnh khẳng định.
Tham gia hội nghị, nhà văn M. Salmawy - Tổng thư ký Hội nhà văn Á - Phi, Chủ tịch Hội nhà văn Ai Cập - chia sẻ: "Đây là dịp vô cùng quan trọng để chúng tôi hiểu hơn về văn học Việt Nam. Trước đây, chúng tôi biết tới những người Việt chiến đấu hết mình cho độc lập, cho nền văn hóa. Hôm nay, chúng tôi có mặt để chúc mừng thành tựu của các bạn".
Dịch giả Chúc Ngưỡng Tu - Giáo sư dạy Văn học Việt Nam tại Đại học Nam Kinh, từng dịch hầu hết tác phẩm của Hồ Chí Minh ra tiếng Trung - là đại diện đoàn nhà văn Trung Quốc. Ông nói: "Những người có mặt tại hội trường này đều muốn tìm hiểu một ngôn ngữ chung là tiếng Việt, có mục đích chung là quảng bá văn học Việt. Tôi thấy văn học dân gian Việt Nam đa dạng, phong phú, chứa đựng nhiều trí tuệ. Văn học luôn đi cùng lịch sử và đập chung nhịp đập với nhân dân. Thời đại nào cũng có tác phẩm hay". Sau khi điểm qua thành tựu, từng giai đoạn văn học Việt Nam, ông bày tỏ: "Tôi rất vui vì thời gian gần đây có nhiều tác phẩm văn học Việt dịch ra tiếng Trung Quốc và tiếng nước ngoài. Tuy đã 70 tuổi, nhưng tôi hứa dịch Văn học Việt Nam tới khi nào đầu óc còn minh mẫn".
Sau lễ khai mạc, Hội nghị Quốc tế Quảng bá Văn học Việt Nam sẽ tổ chức hai hội thảo sáng 3/3 tại Hà Nội, là hội thảo văn xuôi "Chữ quốc ngữ với quá trình hiện đại hóa văn xuôi Việt Nam" và hội thảo thơ "Sự bảo lưu của tâm hồn Việt". Song song, Liên hoan Thơ châu Á - Thái Bình Dương cũng được tổ chức. Các đại biểu quốc tế sẽ tham gia "Ngày thơ Việt Nam" lần thứ 13 tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Chuỗi chương trình nhằm tạo cơ hội giao lưu giữa các nhà văn, nhà thơ, giới thiệu Văn học Việt tới các đối tác xuất bản nước ngoài.
Dự lễ khai mạc sáng 2/3 ở cấp nhà nước có Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng (Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương), ông Trương Quang Được (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội), ông Huỳnh Vĩnh Ái (Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), ông Hà Đăng (nguyên trưởng ban Văn hóa tư tưởng Trung ương...), nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - cùng nhiều tác giả trong nước.
Hội nghị cũng đón 150 đại biểu là các nhà văn, nhà thơ, dịch giả đến từ 41 quốc gia trên thế giới. Trong đó, có những khách mời quan trọng như ông M. Salmawy - Tổng thư ký Hội nhà văn Á - Phi, chủ tịch Hội Nhà văn Ai Cập; bà Rati Saxena - nhà thơ thuộc Đại học Kerala, Giám đốc Liên hoan thơ Kritya, Ấn Độ; ông Andzej Grabowski - Giám đốc Liên hoan thơ Galicja, Ba Lan; ông Fernando Rendon - Giám đốc Liên hoan Thơ quốc tế Medellin; ông Oleg Bavykin - Chủ tịch ban đối ngoại Hội nhà văn Nga...
Lam Thu