"Đã có bất đồng và chia rẽ liên quan xung đột Ukraine. Chúng tôi không thể hòa giải giữa các bên", Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar hôm nay cho hay.
Hội nghị ngoại trưởng G20 diễn ra tại thủ đô Ấn Độ, quốc gia năm nay là chủ tịch của nhóm 20 nền kinh tế lớn. Ấn Độ muốn tập trung vào các vấn đề như xóa đói giảm nghèo và biến đổi khí hậu, nhưng xung đột ở Ukraine lấn át các mục khác trong chương trình nghị sự.
Trước tuyên bố của Ngoại trưởng Ấn Độ, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết G20 sẽ đưa ra tài liệu tổng kết thay vì tuyên bố chung. "Tuyên bố chung đã bị chặn và kết quả thảo luận sẽ được mô tả trong bản tổng kết do Ấn Độ công bố", ông Lavrov nói với phóng viên sau hội nghị ở New Delhi.
Theo ông Lavrov, các cuộc thảo luận về tuyên bố chung đã bị đình trệ về một số vấn đề, trong đó có việc Nga kiên quyết yêu cầu điều tra vụ phá hoại đường ống Nord Stream năm ngoái. "Chúng tôi nói về cách hành xử, mà các đối tác phương Tây thì hành xử rất tệ", Ngoại trưởng Nga cho hay. "Họ không còn nghĩ đến ngoại giao nữa, giờ họ chỉ lo tống tiền và đe dọa người khác".
Ông cũng cáo buộc một số nước phương Tây không tôn trọng nỗ lực của nước chủ nhà Ấn Độ khi chỉ tập trung đổ lỗi cho Nga, khiến hội nghị không thể đạt thỏa thuận về các vấn đề khác. "Tôi muốn xin lỗi nước chủ tịch Ấn Độ và những quốc gia khác, một số phái đoàn phương Tây đã biến chương trình nghị sự của G20 thành trò hề", ông Lavrov nói.
Ông Lavrov đã gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương bên lề hội nghị G20 ở New Delhi. Hai bộ trưởng thảo luận về chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, trong đó có kế hoạch hòa bình của Bắc Kinh để chấm dứt xung đột.
"Chúng tôi nhất trí bác bỏ những nỗ lực can thiệp công việc nội bộ quốc gia khác, áp đặt cách tiếp cận đơn phương thông qua đe dọa và tống tiền, cũng như phản đối quá trình dân chủ hóa quan hệ quốc tế", Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố sau cuộc gặp giữa ông Lavrov và ông Tần Cương.
Ngoại trưởng Nga cũng có cuộc gặp chưa đầy 10 phút với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bên lề hội nghị, đánh dấu cuộc tiếp xúc trực tiếp cấp cao nhất giữa hai nước kể từ khi chiến sự Ukraine bùng phát.
Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết ông Blinken đã nói với ông Lavrov về cam kết hỗ trợ Ukraine của Mỹ, thúc giục Nga đảo ngược quyết định đình chỉ hiệp ước hạt nhân New START và thả tù nhân Paul Whelan, cựu lính thủy đánh bộ Mỹ bị giam ở Nga từ cuối năm 2018.
"Hiệp ước hạt nhân phục vụ lợi ích của cả hai nước chúng ta cũng như an ninh quốc tế, vì thế giới mong đợi chúng ta hành xử có trách nhiệm khi nói đến an ninh hạt nhân", ông Blinken nói với ông Lavrov.
Bộ Ngoại giao Nga cho biết Ngoại trưởng Lavrov và Ngoại trưởng Blinken vừa đi vừa nói chuyện, không phải tổ chức đàm phán hay gặp gỡ.
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và thống đốc ngân hàng các nước G20 tại thành phố Bengaluru của Ấn Độ hôm 25/2 cũng khép lại mà không thể ra tuyên bố chung do bất đồng về xung đột Ukraine. Thay vào đó, Ấn Độ công bố "tài liệu tổng kết kết quả của nước chủ tịch", cho biết "hầu hết thành viên lên án mạnh mẽ cuộc chiến ở Ukraine, nhấn mạnh rằng nó đang gây ra đau khổ to lớn cho con người và làm trầm trọng thêm những bất ổn hiện có trong nền kinh tế toàn cầu".
Huyền Lê (Theo AFP, Reuters)