![]() |
Thứ trưởng nông nghiệp Trung Quốc Qi Jingfa (phải) và Bộ trưởng Y tế Thái Lan Sudarat Keyuraphan trong hội nghị về cúm gà ở Bangkok chiều nay. |
Trung Quốc, nước có đàn gia cầm khổng lồ, vừa xác nhận 3 điểm bùng phát dịch tại tỉnh Quảng Tây, Hồ Nam và Hồ Bắc, với 14.000 vịt và khoảng 2.000 gà đã tiêu huỷ. Chưa có thông tin về bệnh trên người ở nước này. Các chuyên gia lo ngại rằng bệnh dịch xuất hiện ở quốc gia đông dân nhất thế giới, nơi từng bị chỉ trích về việc che giấu dịch SARS, cho thấy mức độ nghiêm trọng về quy mô của dịch cúm gà.
Các bộ trưởng và quan chức của 10 nước và vùng lãnh thổ có cúm gà xuất hiện, Mỹ, Liên minh châu Âu cùng đại diện WHO và tổ chức Nông lương quốc tế FAO, Tổ chức quốc tế về Sức khoẻ động vật, tham dự hội nghị.
Cho đến nay, cúm gà đã giết chết 10 người, gồm 8 ở Việt Nam và 2 ở Thái Lan. Khoảng 20 triệu gia cầm bị tiêu huỷ trong toàn khu vực. Chưa có bằng chứng về đường lây lan virus từ người sang người, nhưng các chuyên gia tin rằng những người bị nhiễm bệnh đã tiếp xúc trực tiếp với gia cầm sống hoặc phân của chúng.
"Sự lây lan nhanh chóng của dịch cúm gà một lần nữa cho chúng ta thấy mặt trái của toàn cầu hoá. Nó không chỉ đem đến mối đe doạ về kinh tế, khiến phải giết chết hàng triệu con gà, nó còn kéo theo nguy cơ đe doạ sức khoẻ con người", bài phát biểu khai mạc hội nghị của Thủ tướng Thái Lan Thaksin có đoạn.
Hội nghị diễn ra trong nửa ngày, với hy vọng củng cố lòng tin của ngành chăn nuôi gia cầm trong khu vực, khi mà virus cúm gà đã lan tới tận Pakistan ở phía tây và Nhật Bản ở phía đông.
Hong Kong, nơi bùng phát dịch cúm gà làm chết 6 người năm 1997, đã tăng cường các biện pháp phòng chống. Malaysia và Singapore cũng có hành động tương tự. Australia tỏ ý tin tưởng sẽ không bị cuốn vào dịch bệnh, và đã gửi chuyên gia tới châu Á hỗ trợ phòng chống bệnh dịch. Indonesia, nơi có một người đang được xét nghiệm có nhiễm cúm gà hay không, tuyên bố không tiêu huỷ hàng loạt gia cầm như khuyến cáo của WHO.
Các nhà khoa học Hong Kong lo ngại rằng virus gây cúm gà đang tăng cường độc tính và có thể tồn tại hàng năm. Họ nhận xét việc virus H5N1 giết chết hàng chục nghìn con vịt ở Quảng Tây (đã được chính quyền Trung Quốc xác nhận) là điều đặc biệt.
"Virus H5 thường không gây tử vong cho vịt, và việc vịt chết là rất hiếm. Điều đó chứng tỏ rằng H5N1 đã biến đổi tăng độc tính", nhà vi trùng học Leo Poon thuộc Đại học Hong Kong nói. "Như vậy nó có thể gây chết hàng loạt cho gia/thuỷ cầm, và tăng nguy cơ nhiễm sang người (nếu họ tiếp xúc với gà vịt bệnh)".
Các nhà khoa học cũng cảnh báo nguy cơ lây bệnh từ thịt gia cầm đông lạnh, và nói rằng virus H5N1 có thể sống nhiều năm trong điều kiện nhiệt độ âm 70 độ C. Tuy nhiên, họ tái khẳng định virus sẽ chết nếu thịt gà/vịt được nấu chín.
T. Huyền (theo Reuters, AFP)