Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao, Chủ tịch SOM APEC 2017 Bùi Thanh Sơn sáng nay chủ trì Hội nghị tổng kết quan chức cao cấp (CSOM) tại Đà Nẵng. Sự kiện kéo dài trong hai ngày 6 và 7/11, với sự tham gia của hơn 200 đại biểu, là hội nghị mở đầu cho các hoạt động của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.
"Chào mừng quý vị đến thành phố Đà Nẵng xinh đẹp trong cơn mưa", Thứ trưởng mở đầu bài phát biểu. "Chúng tôi đã làm tốt nhất để chuẩn bị cho tuần lễ cấp cao nhưng trận mưa thực sự nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi. Vì vậy tôi xin quý vị thứ lỗi, và như người Việt Nam thường nói: 'Sau cơn mưa, trời lại sáng', hãy cùng hy vọng thời tiết sẽ khá hơn khi các lãnh đạo và bộ trưởng tới".
Hội nghị rà soát lại các kết quả đạt được trong hơn 11 tháng triển khai các hoạt động của năm APEC 2017 và hoàn tất công tác chuẩn bị về mọi mặt như chương trình nghị sự, nội dung văn kiện và các vấn đề liên quan của Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC lần thứ 29 và Hội nghị các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 25 sẽ diễn ra trong vài ngày tới.
Chủ tịch SOM APEC 2017 Bùi Thanh Sơn khẳng định trong tình hình kinh tế toàn cầu, đặc biệt khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang phục hồi vững chắc hơn, các nền kinh tế thành viên đều nỗ lực giữ đà hợp tác và đạt đồng thuận trên nhiều vấn đề, góp phần triển khai chủ đề và 4 ưu tiên hợp tác của năm 2017 cũng như các chương trình, kế hoạch hợp tác dài hạn mà APEC đang triển khai.
Chủ tịch SOM đề nghị Hội nghị tập trung đánh giá tiến triển của hợp tác APEC trong năm 2017 cùng những kết quả sẽ được báo cáo lên các Bộ trưởng và các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC, đồng thời hoàn tất các nội dung chuẩn bị cho Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC và Hội nghị các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC.
Tuần lễ cấp cao APEC là hoạt động cuối cùng và quan trọng nhất trong Năm APEC 2017. Ước tính khoảng 12.000 - 14.000 đại biểu của 21 nền kinh tế thành viên tham gia, trong đó có 2.000 đại biểu chính thức, 5.000 doanh nghiệp sẽ tham gia sự kiện này.
Năm APEC 2017 có chủ đề "Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung", với 4 ưu tiên là thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm, đẩy mạnh liên kết kinh tế sâu rộng, nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số và tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trọng Giáp (Video: Đức Đồng)