"Năm 21 tuổi tôi biết mình được thừa kế một khoản tiền", Ash, 30 tuổi, người đang tham gia sự kiện gần đây của Making Money Make Change, diễn ra trong khuôn viên của một trường đại học ở thành phố Nashville, bang Tennessee, nói.
Ash nói đã rất sốc khi nhận ra tài sản của gia đình đến từ những công ty khai thác nhiên liệu hóa thạch (than, xăng, dầu...) trong khi cô là người theo đuổi phong trào chống biến đổi khí hậu.
Là một thành viên trong số những người sẽ thừa kế 16 nghìn tỷ USD - khoản chuyển giao tài sản lớn nhất lịch sử Mỹ - nhưng Ash không muốn giữ số tiền này cho riêng mình. Việc từ chối tài sản thừa kế của cô xuất phát từ niềm tin sâu sắc của thế hệ Gen Z và Millennials rằng sự giàu có phải phục vụ lợi ích chung.
Đó là lý do hội nghị Making Money Make Change ra đời. Mục tiêu của tổ chức là giúp những người thừa kế trẻ tuổi và những người có giá trị tài sản ròng cao khác phân phối lại tiền của mình cho các mục đích như nhà ở và công bằng khí hậu.
Tổ chức chủ trì, Resource Generation (RG) hiện có 1.000 thành viên, với kế hoạch phân bổ 100 triệu USD trong năm nay. Với các thành viên, việc từ bỏ tài sản không phải vì thức tỉnh mà là trách nhiệm. Những người này lớn lên trong bối cảnh khi gia đình họ giàu lên, phần lớn người Mỹ lại nghèo đi. Nhiều người cảm thấy bối rối, tội lỗi, thậm chí oán giận khi đối mặt với gia sản của mình.
"Đó là khoản thừa kế lớn đến chỉ sau một đêm. Tôi đã làm việc với những người bị ảnh hưởng bởi hệ thống áp bức này, rồi bỗng nhận ra, số tiền khổng lồ ấy lại thuộc về tôi", Kavi, 28 tuổi, lớn lên ở Ấn Độ và hiện sống ở Massachusetts, cho biết.
Meg, con gái một tỷ phú Mỹ, cũng chia sẻ: "Tôi từng xem phim Richie Rich (Chú bé tỷ phú) và nhận ra gia đình mình cũng là kẻ xấu".
![Người thừa kế tỷ phú muốn từ bỏ gia tài - 1](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2025/02/10/1-2-1739113797-3334-1739148145.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Z_bKGU1sawxGUoXt5QsR7Q)
Nhiều người trẻ cảm thấy tội lỗi, xấu hổ vì khoản tiền thừa kế từ cha ông. Minh họa: Insider
Tại hội nghị, các cuộc thảo luận diễn ra sôi nổi, từ công bằng nhà ở đến bồi thường thiệt hại lịch sử. Phần quan trọng nhất của hội nghị là người tham dự làm việc với cố vấn tài chính để phân phối tài sản.
Sarah, 24 tuổi, người có gia đình chia đôi thời gian sống giữa California và Anh, cam kết chuyển 2 triệu USD trong số 2,4 triệu USD mình có. Không dừng lại, mục tiêu của cô là giảm tài sản xuống còn 70.000 USD vào cuối 2025.
"Mẹ tôi ủng hộ nhưng cha tổn thương vì coi đó là từ chối một món quà", cô chia sẻ. "Nhưng tôi làm theo ý mình".
Thách thức lớn nhất mà họ đối mặt không chỉ là tìm cách phân phối lại tiền, còn bị gia đình và hệ thống tài chính làm khó. Các quỹ tín thác thường có cơ chế giữ tiền lại cho các thế hệ sau và giới tư vấn tài chính chỉ quen giúp người giàu có nhiều tiền hơn chứ không phải để họ từ bỏ tài sản.
"Người quản lý quỹ hỏi tôi: 'Thế còn con cháu sau này của cô thì sao?'. Còn tôi nghĩ: 'Thế còn con cái của những người khác thì sao?'", Meg chia sẻ.
Chuyên gia tài chính Iris Brilliant, người chuyên giúp người thừa kế phân phối lại tiền bạc, cho biết hầu hết khách hàng của cô đều thất vọng với đội ngũ tài chính. Cô từng là nhà tổ chức tại Resource Generation và giờ đây, nhu cầu về dịch vụ chuyển giao tài sản thừa kế đã vượt quá khả năng đáp ứng. "Tôi có cả danh sách chờ", cô nói thêm.
Kết thúc hội nghị, 35 người thừa kế đã cùng nhau cam kết quyên góp 9,2 triệu USD. Họ cam kết giữ liên lạc, trân trọng cơ hội được trò chuyện và chia sẻ những trải nghiệm mà người khác khó lòng thấu hiểu.
Nhưng điều gì xảy ra sau khi đã cho đi gần hết tài sản?
Cuộc sống vẫn tiếp diễn. Việc cho đi tiền bạc cũng đồng nghĩa đối mặt với sự thiếu thốn. Ash đã phân phối gần hết 800.000 USD thừa kế từ ông nội, nhưng rồi cô phát hiện mắc ung thư.
May mắn, bảo hiểm y tế và sự giúp đỡ của bạn bè đã hỗ trợ Ash vượt qua giai đoạn khó khăn. "Thật tuyệt khi được kiểm chứng lý thuyết: Liệu chúng ta có thực sự quan tâm đến nhau khi không có tiền?", cô nói.
Gia đình của những người này vẫn rất giàu có. Điều này tạo ra khoảng cách vô hình giữa những người thừa kế với gia đình. Ash kể chị gái cô dùng tiền thừa kế để chi trả sinh hoạt phí, còn anh trai lo cho con cái.
"Một người thân trong nhà đùa sẽ có một ngày tôi quay lại xin tiền khi không thể trả tiền thuê nhà", cô kể.
Nhưng cuộc sống luôn có bất ngờ. Sau khi từ bỏ khoản thừa kế ban đầu, Ash được nhận thêm 80.000 USD từ bà. Lần này, số tiền không còn khiến cô thấy tội lỗi, mà là cơ hội để tiếp tục cho đi. Với Ash, tiền bạc chỉ là một công cụ. Khi tiền hết, họ sẽ tìm cách chia sẻ thức ăn, chỗ ở, kỹ năng, bởi ai cũng có một "khoản thừa kế" để đóng góp cho một thế giới tốt đẹp hơn.
"Tôi chưa bao giờ nghĩ mình đã hoàn thành lý tưởng cho đi", Ash nói. "Và tôi không chắc có ai thực sự hoàn thành được".
Bảo Nhiên (Theo Insiders)