Hội Nghề cá Việt Nam ngày 18/3 có văn bản lên án tàu Trung Quốc truy đuổi, khiến tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị chìm ở vùng biển Hoàng Sa.
Văn bản được gửi đến Văn phòng Chính phủ, Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, hành động của Trung Quốc là "vô nhân đạo, gây nguy hiểm đến tính mạng, thiệt hại tài sản cho ngư dân Việt Nam".
Hội nghề cá đề nghị nhà chức trách phản đối kịch liệt với phía Trung Quốc để chấm dứt hành động cản trở, tấn công, đâm chìm tàu cá ngư dân khi đang hoạt động trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam; có biện pháp đấu tranh với hành động ngang ngược và phi lý của Trung Quốc; yêu cầu Trung Quốc bồi thường thiệt hại cho ngư dân Việt Nam.
Hội cũng đề nghị tăng cường lực lượng tuần tra, bảo vệ trên biển để kịp thời hỗ trợ, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của ngư dân Việt Nam; ngăn chặn những hành động tương tự để ngư dân yên tâm ra khơi, bám biển.
Khoảng 10h ngày 6/3, tàu cá Quảng Ngãi có năm lao động, do ông Trần Minh Hùng làm thuyền trưởng, đánh bắt hải sản cách đảo Đá Lồi thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm hải lý thì bị tàu Trung Quốc (số hiệu 44101) truy đuổi, phun vòi rồng, ép bỏ chạy, làm tàu va vào đá ngầm và chìm. Sau mấy giờ bám vào phần nổi của mũi tàu, năm ngư dân được một tàu cá Việt Nam cứu vớt. Đến ngày 17/3, tất cả ngư dân đã trở về bờ, ước tính thiệt hại ba tỷ đồng.
Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch hội Nghề cá Việt Nam, chia sẻ thêm những năm gần đây, Trung Quốc thường gây ra các vụ việc tương tự ở ngư trường truyền thống của Việt Nam, đặc biệt là ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. "Nếu tàu Trung Quốc phát hiện ngư dân Việt Nam đánh bắt hải sản gần hai quần đảo này thì sẽ đâm chìm chứ không cảnh báo và xua đuổi như trước", ông Thắng nói.
Hội Nghề cá Việt Nam và các địa phương kêu gọi bà con đánh bắt xa bờ nên đi theo từng đội tàu để cảnh báo cho nhau khi bị tàu Trung Quốc tấn công. Trường hợp có tàu bị đâm chìm thì có tàu khác hỗ trợ cứu nạn. Về lâu dài, để làm giảm sự hung hăng của tàu Trung Quốc và bảo vệ ngư dân, Hội kiến nghị lực lượng chấp pháp như kiểm ngư, cảnh sát biển, hải quân... tăng cường hiện diện ở các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa.
"Mỗi khi xảy ra sự việc tàu cá Việt Nam bị đâm chìm hoặc phá hoại, chúng tôi gửi công văn đến Đại sứ quán Trung Quốc và thông qua Bộ Ngoại giao, yêu cầu nhà chức trách nước này đền bù các tàu cá bị đâm chìm, nhưng chưa bao giờ nhận được phản hồi", ông Thắng nói.