Hội nghề cá Việt Nam nêu quan điểm trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao, ngày 13/6.
"Những hành động như trên của Trung Quốc đã lặp lại nhiều lần và liên tục gia tăng, gây bất an, bất bình cho ngư dân, làm giảm sút sản lượng đánh bắt hải sản, gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế cho ngư dân, xâm phạm chủ quyền, vi phạm pháp luật Việt Nam và quốc tế", văn bản nêu.
Hội nghề cá Việt Nam phản đối "hành động vô nhân đạo trên của Trung Quốc vì gây nguy hiểm đến tính mạng, thiệt hại tài sản của ngư dân khi đang khai thác hải sản trên vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam".
Hội đề nghị nhà chức trách phản đối kịch liệt với Trung Quốc để chấm dứt ngay việc cản trở, đâm húc tàu cá ngư dân khi đang hoạt động trên vùng biển chủ quyền Việt Nam; có biện pháp đấu tranh kiên quyết với hành động ngang ngược và phi lý của Trung Quốc.
Trước đó khoảng 10h ngày 10/6, tàu cá do ngư dân Nguyễn Lộc, 42 tuổi, trú huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, làm chủ kiêm thuyền trưởng cùng 15 lao động đánh bắt hải sản ở gần đảo Linh Côn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam), thì bị tàu hải cảnh Trung Quốc (số hiệu 4006) cùng một xuồng máy truy đuổi, tông va làm hỏng.
Lực lượng hải cảnh Trung Quốc đã khống chế, đánh đập ngư dân, bắt ký và điểm chỉ dấu vân tay vào biên bản do Trung Quốc viết; lấy hai máy định vị và máy dò cá, một thuyền thúng, 65 bành dây hơi, một tấn hải sản và làm hư hỏng nhiều bộ phận trên thân tàu. Thiệt hại của ngư dân khoảng 500 triệu đồng.
Ngày 12/6, tàu cá cùng các lao động Việt Nam về đến đất liền, không tiếp tục đi sản xuất được.
Trung Quốc đã nhiều lần đâm chìm, cướp hải sản của ngư dân trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Hồi đầu tháng 4, tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi cũng bị tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm ở vùng biển Hoàng Sa.