Vài ngày sau, tôi đưa nó đến làng Ném Thượng chơi một ngày để nó thấy người dân làng ấy cũng hiền lành, mến khách, và đáng yêu như người dân ở nhiều làng quê khác. Sau đó, tôi mới bảo nó đây là ngôi làng có lễ hội chém lợn, và kể cho nó nghe sự tích lễ hội này.
Con trai tôi năm nay 13 tuổi. Nó không còn thắc mắc về các lễ hội có vẻ kỳ cục nữa, mà thay vào đó là tìm hiểu về các sự tích. Nhưng tôi rất lo nếu nó hỏi: "Vì sao mỗi một lễ hội có một sự tích mà lễ hội nào cũng na ná như nhau". Đó sẽ là một câu hỏi rất khó trả lời. Bởi tôi không dễ dàng giải thích với một thằng bé 13 tuổi về bi kịch lễ hội trong một xã hội có những đứt gãy văn hóa dài lâu.
Lễ hội ở Việt Nam vốn dĩ là các sự kiện dân gian được tổ chức với quy mô làng, xóm, với những sắc thái riêng biệt dựa trên tập tục, thói quen, điều kiện, hoàn cảnh sống của những cộng đồng nhỏ. Mỗi một lễ hội ra đời, và tồn tại, đều có những lý do của nó.
Lễ hội có thể chỉ là một dịp để xả những bức bách của cộng đồng sau một vụ mùa làm ăn vất vả, đơn thuần để giải trí.
Lễ hội cũng có thể là một cái cớ để người ta quần tụ, để con cháu ly hương về quê gặp tổ. Lễ hội có khi giống như ngày giỗ của một con người, vị thánh, những cá nhân đã để lại dấu ấn trong lịch sử của cộng đồng.
Và, cũng có khi chỉ là một ngày kỷ niệm, buồn, vui, thậm chí là sự biến trong lịch sử xóm làng.
Bởi thế, lễ hội về bản chất chỉ thực sự có ý nghĩa trong không gian của nó, đối với những con người thuộc cộng đồng liên quan đến sự kiện mà thôi. Và bởi thế, có những nghi thức của lễ hội là linh thiêng với một ngôi làng vài ngàn dân sẽ chẳng có giá trị gì, thậm chí phản cảm đối với những người ngoài cuộc.
Với nhiều người, chém lợn là tàn bạo, linh tinh tình phộc là khiêu dâm, nhưng với dân làng Ném Thượng, làng Tứ Xã là linh thiêng. Nó cũng giống như việc đôi lứa yêu nhau có những phút giây riêng tư là bình thường. Nhưng khi ta nhìn một đôi yêu nhau với ý niệm đang can dự vào đó thì thật là đồi trụy.
Bởi thế, nếu nhìn nhận lễ hội dân gian đúng với tính chất của nó, là sinh hoạt văn hóa của những cộng đồng riêng biệt, và để nó được tồn tại như nó vốn thế thì đã chẳng có chuyện gì đáng nói. Tôn trọng sắc thái của lễ hội dân gian, tôn trọng sự khác biệt của các cộng đồng, đó là văn hóa lẽ ra phải có.
Song, bi kịch của các lễ hội ở Việt Nam chính là mấy chục năm cấm đoán của chính quyền, tạo ra đứt gãy văn hóa khiến sắc thái riêng của các lễ hội đã mai một trong ký ức cộng đồng.
"Ngày càng lòi ra mấy cái lễ hội phát ớn" - một ai đó đã bình luận phía dưới một bài viết về lễ "linh tinh tình phộc" ở miếu Đụ Đị, Lâm Thao, Phú Thọ trên VnExpress. Sẽ có người coi lễ hội "lòi ra", vì sự cấm đoán trong các thập kỷ trước đã khiến nhiều nét văn hóa trở nên xa lạ với chính dân tộc mình.
Khi các hội làng được mở lại, ở quê tôi, các cụ cao tuổi trong ban khánh tiết dành phần lớn thời gian để cãi nhau xem thế nào mới "đúng". Hội làng lần cuối trước khi bị bỏ, phần lớn các cụ vẫn còn là trẻ con.
Những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, khi còn là một phóng viên trẻ theo dõi mảng văn hóa, tôi thường được các cụ ở nhiều làng quê nhờ mang thần phả của làng đi tìm người dịch. Sau nửa thế kỷ bị cấm, đến lúc được tổ chức lễ hội trở lại thì chẳng ai còn biết lễ hội ra sao. Những cuốn thần phả, những bản sao văn bia vốn chỉ là lớp vỏ văn hóa của làng quê đã được diễn dịch bằng con mắt của một số ít các "nhà văn hóa" vốn đứng ngoài ký ức làng, để từ đó những lễ hội được phục dựng.
8.000 lễ hội trên khắp đất nước có hàng chục vạn ngôi làng không phải là quá nhiều. Song 8.000 lễ hội na ná nhau, được phục dựng bởi kiến thức của đôi ba "nhà văn hóa" thì lại trở thành thảm họa. Dù câu chuyện khác nhau, nhưng qua lăng kính tri thức của một vài "nhà văn hóa", đó sẽ là những kịch bản giống nhau. Cùng với đó, không gian các làng quê đã thay đổi, ngày càng giống nhau trong một thế giới ngày một phẳng hơn có thể khoác cho tất cả các hội làng một tấm áo đồng phục.
Trong những tấm áo đồng phục ấy, các hội làng nếu còn khác nhau, có chăng chỉ còn ở khả năng quảng cáo của các nhà tổ chức.
Phạm Trung Tuyến