Theo thông tin từ nhà xuất bản Penguin Random House, Spare bán được 1,43 triệu bản với tất cả định dạng ở Mỹ, Canada và Anh sau một ngày ra mắt (10/1), phá kỷ lục ở Anh với 400.000 cuốn. Shannon DeVito, giám đốc hệ thống phân phối sách Barnes & Noble ở Mỹ, nói với NY Times: "Một số người đến mua ngay trước giờ làm việc, số khác đến vào giờ nghỉ trưa, còn lại đến sau giờ làm. Nhưng tốc độ bán hàng trong ngày là rất nhanh".
Tờ Vox nhận xét hồi ký của Hoàng tử Harry là một tác phẩm mâu thuẫn. Cuốn sách giống như lời công kích từ một cá nhân đầy bất mãn, không biết cách làm thế nào để điều chỉnh cảm xúc của bản thân, nhưng cũng hấp dẫn một cách kỳ lạ, khiến người đọc tự hỏi liệu nó có nên được công khai hay không.
400 trang của Spare là một vòng xoáy hỗn loạn về cuộc sống hoàng gia. Nó xoay quanh cái chết của mẹ Harry, Công nương Diana vào năm 1997; thời niên thiếu của hoàng tử khi còn là cậu bé còi cọc; những ngày anh phục vụ trong quân ngũ; cuộc hôn nhân với Meghan Markle và thời điểm anh quyết định rời cương vị thành viên cao cấp của Hoàng gia Anh năm 2020.
J.R. Moehringer, tác giả từng đoạt giải Pulitzer, người chấp bút cho hoàng tử, đã kể lại mọi chuyện với giọng điệu trong sáng và vô tư. Những chi tiết nhỏ nhặt về việc các quý tộc tranh giành chỗ đỗ xe ở Cung điện Kensington, món quà Giáng sinh keo kiệt từ Công chúa Margaret... được kể sinh động. Qua ngòi bút của Moehringer, Harry hiện lên là kiểu người vui tính, dễ mến, thẳng thắn, ít quan tâm đến văn chương. Các câu nói của anh đơn giản, ngắn. Trong sách, anh kể choáng ngợp bởi sự tinh tế trong văn học của Meghan khi cô ấy đề cập đến Eat Pray Love, một cuốn sách mà Harry chưa từng nghe đến.
Trong ký ức tuổi thơ của hoàng tử, người đọc cảm nhận được tình cảm anh dành cho cha và anh trai. Đó từng là những người anh thân thiết nhất trên đời, nhưng giờ đây mối quan hệ của họ không thể hòa giải. Charles xuất hiện với hình ảnh người cha ngọt ngào, hay quên, thường để lại những lời nhắn trên gối Harry về việc ông tự hào thế nào về anh. Anh trai William là người duy nhất hiểu nỗi đau của Harry sau khi mẹ qua đời, là người cảm thông với em trai về việc lớn lên trong hoàng gia, giữa những ánh đèn flash của các tay săn ảnh, và là người duy nhất anh tâm sự mỗi khi gặp vấn đề.
Tuy nhiên, theo Harry, cả Charles và William đều bị tha hóa bởi sức mạnh của vương miện, điều này khiến họ tìm đủ cách để đánh bóng bản thân, coi anh là vật hy sinh. Những người thừa kế, luôn luôn, ở trên kẻ dự bị.
"Tôi được sinh ra trong trường hợp có điều gì đó xảy ra với Willy, tôi sẽ được gọi để hỗ trợ, đánh lạc hướng, và nếu cần, là hiến tạng. Có thể là thận. Truyền máu. Hoặc tủy", Harry viết. Thực tế, William không cần hiến tạng, nhưng Harry cho rằng cả anh trai và bố luôn có thể sử dụng thứ gì đó để giảm bớt áp lực từ sự chú ý của báo chí, và đó chính là Harry.
Hoàng tử nói mối quan hệ của họ khó cứu vãn khi anh kết hôn với Meghan. William can thiệp ngày một nhiều vào chuyện riêng tư của em trai. Đỉnh điểm, trong một lần tranh cãi, William quật Harry ngã xuống sàn mạnh đến nỗi đĩa thức ăn cho chó vỡ vụn bên dưới. Khi William yêu cầu Harry đánh lại như lúc họ còn nhỏ, anh từ chối.
Harry từng sốc khi bố nói không thể hỗ trợ tài chính cho anh, trong khi việc trở thành hoàng tử khiến anh và William thất nghiệp. Anh cũng nhắc lại việc Meghan bị các tờ báo lá cải quấy nhiễu đến nỗi từng định tử tự.
Hoàng tử tiết lộ nỗi đau sau khi phục vụ trong quân đội, tham chiến ở Afghanistan. Sau khi tiêu diệt 25 tay súng Taliban và trở về nước, anh mắc chứng hoảng loạn trước đám đông, sợ các không gian rộng. Harry nhốt mình trong căn hộ nhỏ, xem đi xem lại series Friends và đồng cảm với nhân vật Chandler.
Harry không chỉ có mâu thuẫn không chỉ về gia đình mà còn đối nghịch cánh báo chí, khi cho rằng mình luôn bị ép trở thành nhân vật phản diện trung tâm. Anh coi thường họ, tích cực đổ lỗi cho họ về cái chết của mẹ anh, so sánh tiếng bấm máy của một tay săn ảnh với tiếng súng nổ. Tuy nhiên, anh thích được báo chí đưa tin. Anh đặt biệt danh cho những nhà báo mình không thích, quan tâm theo dõi những chi tiết vụn vặt trong sự nghiệp của họ. Một nhà trị liệu cho rằng Harry nghiện báo chí, và anh không phản đối điều đó.
Tờ Vox cho rằng Spare giống như một bản cáo trạng ngầm về chế độ quân chủ Anh, khi Harry miêu tả sức nặng của vương miện làm thay đổi các giá trị của gia đình. Và những người trong hoàng gia nhất mực tuân theo việc bảo vệ người thừa kế bằng mọi giá. Tuy nhiên, Harry vẫn khẳng định về sự kỳ diệu của vương miện, vẻ đẹp của những viên ngọc quý khảm trên nó, rằng anh ấy tin rằng nó có ý nghĩa như thế nào đối với người dân Khối thịnh vượng chung Anh.
"Chiếc vương miện dường như sở hữu một nguồn năng lượng bên trong, một thứ gì đó vượt ra ngoài các bộ phận của nó... Nhưng tất cả những gì tôi có thể nghĩ... là thật bi thảm khi nó vẫn bị nhốt trong Tòa tháp này", Harry viết.
Nhà báo Constance Grady nhận xét: "Với những bi kịch trong Spare và tất cả những gì Harry kể, rõ ràng rằng Charles và William sẽ coi cuốn hồi ký này không phải như một lời giải thích, một bức thư tự tình mà là một sự phản bội tồi tệ. Ngay cả khi chưa bao giờ đọc nó, làm sao họ có thể tránh được dòng tin tức vô tận, những cuộc phỏng vấn mà Harry thực hiện để giới thiệu về cuốn sách, bộ phim tài liệu Netflix, dòng thông tin không ngừng nghỉ về Harry và Meghan mà họ đã tung ra với cả thế giới?... Có vẻ như Harry, người ghét báo chí vì việc nó thường xuyên xâm phạm quyền riêng tư của anh, đã tự mình trở thành nhà báo để giành lấy sự đồng cảm...".
Hà Thu (theo Vox)