Danh ca Elvis Phương, sinh năm 1945, ra mắt hồi ký Dòng đời sau 62 năm ca hát. Tác phẩm gồm 12 chương, hơn 370 trang, thuật lại con đường theo đuổi ca hát của Elvis Phương, từ lúc còn là "ngựa hoang" đến khi ghi dấu như một trong những giọng ca thành công nhất làng tân nhạc.
VnExpress đăng một số trích đoạn trong sách, tên các phần trích do tòa soạn đặt.
Những năm tháng tuyệt vời: Rockin' Stars
(...) Cuộc đời học sinh của tôi trôi qua êm đẹp với rất nhiều kỷ niệm vui bên bạn bè, với những lần đi "bùm" cuối tuần, quen biết những bạn gái cùng lứa tuổi và nhất là lòng say mê âm nhạc đến độ kinh khủng. Thật tình là tôi không còn biết dùng chữ nào khác hơn.
Đã rất nhiều lần tôi bị ba tôi bắt quả tang khi đang ôm cây đàn guitar thùng đứt dây đứng trước gương sửa bộ, sửa tịch cho giống Elvis Presley. Dĩ nhiên hậu quả không được tốt đẹp gì mấy mặc dù tôi được má che chở hết mình. Nhưng dĩ nhiên tôi vẫn không chừa được cái thú bắt chước thần tượng của mình! Và những lần "tập dượt" sau đó được rút kinh nghiệm để "tổ chức" một cách kín đáo, an toàn hơn, nhưng rồi cũng có lần bị phát giác, kết quả là cây đàn thùng thân yêu của tôi bị đập nát bởi bàn tay không thương xót của ba tôi kèm với vẻ mặt đằng đằng sát khí. Cơn thịnh nộ của ba tôi nổi lên ghê gớm khiến tôi tá hỏa tam tinh, chưa kịp hoàn hồn đã bị ông giáng cho mấy cái tát tai nẩy đom đóm mắt.
Lại một lần nữa tôi được ông cho nghe một bài giảng luân lý dài không thua gì một bản trường ca! Và cũng như bao lần trước, câu kết luận của ba tôi vẫn là: "Tao nói cho mày biết là nếu còn muốn ở trong cái nhà này nữa thì phải chừa ngay cái thói hát hát, hỏng hỏng đi nghe chưa. Tao mà còn thấy mày đàn địch ca hát nữa thì đừng có hòng tao mua cho cái gì". Cũng như thường lệ, tôi cúi gầm mặt, mím môi, lim dim mắt ra điều hết sức thành khẩn, ăn năn hối lỗi để cương quyết hứa với ba tôi là sẽ không tái phạm.
Thật ra, lúc đó đầu óc tôi vẫn tưởng tượng đến cái cảnh huy hoàng của một sân khấu sáng rực ánh đèn mầu, với tiếng nhạc kích động trẻ trung cộng với những tiếng vỗ tay tưởng như không dứt. Nhưng chứng nào tật nấy, lần ấy tôi đi "trình diễn" đàng hoàng chứ không còn lén lút nữa, đó là lần đi cùng với mấy thằng bạn, vác cây đàn guitar đi mượn, xin leo lên sân khấu của một hội chợ biểu diễn chơi cho đã thèm.
(...) Bản nhạc đầu tiên trong đời mà tôi trình diễn trước khán giả chính là một trong những nhạc phẩm đã đưa tên tuổi của chị Thanh Thúy lên đỉnh cao: Nửa đêm ngoài phố, một nhạc phẩm đang rất thịnh hành bấy giờ. Đêm hôm đó, nhạc phẩm này đã được tôi chế theo điệu rock, tác giả của nó là nhạc sĩ Trúc Phương nếu lúc đó nghe được chắc cũng phải rùng mình! Ấy thế mà tiết mục được vỗ tay đáo để, từ ông già bà cả đến quý vị nhi đồng đều tỏ ra khoái chí với màn ca nhạc sôi động và đặc biệt này! Cũng may phước là nửa đêm hôm đó từ ngoài phố trở về không bị ba tôi bắt gặp, nếu không thì tôi lại phải đóng thêm vở kịch mím môi, lim dim mắt để ăn năn hối lỗi nữa. Đêm ấy ca sĩ Phạm Ngọc Phương đã không tài nào ngủ được vì bên tai còn văng vẳng những tiếng vỗ tay của khán giả.
Niềm phấn khởi dâng lên cao, khiến tôi nhất định lao mình vào nghề ca hát, bằng bất cứ cách nào, miễn sao được hát thì thôi. Được biết trong Chợ Lớn có một vài vũ trường như Arc En Ciel, Ngọc Lan Đình tôi rủ Thanh Tòng cùng đi đến những nơi đó để xin "hát chùa". Thanh Tòng sau này cùng hoạt động với tôi trong những ban nhạc như Les Vampires và ban nhạc Hoa Tình Thương của ban văn nghệ Hải Thuyền, sau này cộng tác với ban nhạc The Passion tại Vancouver. Thỉnh thoảng tôi vẫn gặp Thanh Tòng trong những lần lưu diễn tại thành phố này. Trong suốt một thời gian dài, tối nào Tòng cũng lại nhà, chở tôi lén đi đến những vũ trường đó để được hát "lót đường" - tức là hát trám chỗ cho những ca sĩ đến trễ.
Tôi luôn mong những ca sĩ đó đến không đúng giờ để có dịp leo lên sân khấu hát chơi. Hôm nào các ca sĩ đến đúng giờ là tôi buồn so vì không có dịp phô diễn tài nghệ. Cách hát theo kiểu "stand by" này của tôi rồi cũng phải chấm dứt sau khi bị gia đình biết. Thời gian này, nhà tôi đã dọn về đường Trương Tấn Bửu, rộng rãi hơn, với những tường rào có gắn miểng chai, trồng dọc theo đó là những cây vú sữa um tùm. Địa thế có vẻ "hiểm trở" như vậy nhưng tôi vẫn tìm cách "thoát thân" vào mỗi tối. Chờ cho cả nhà đi ngủ, tôi gói sẵn bộ đồ đi diễn ra móc lên một cây vú sữa, sau đó vào nhà ngồi chờ Tòng đến theo giờ hẹn. Nghe tiếng xe gắn máy nổ ở phía ngoài là tôi len lén bước ra khỏi cửa, leo lên cây vú sữa, liệng gói quần áo xuống cho Tòng, rồi sau đó tựa chân trên tường rào nhẩy phóc xuống để cùng Tòng phóng vào Chợ Lớn hát giúp vui miễn phí. Con ngựa hoang háo thắng đã phi qua hàng rào cái một!
(...) Thường ngày tôi chỉ ăn mặc giản dị: Quần jeans, áo thun và giầy mocassin. Đi đến đâu tôi cũng tìm tòi mua cho được những thứ này với những tên hiệu nổi tiếng. Do đó tôi đã có không biết bao nhiêu là áo thun và quần jean đủ kiểu, đủ mầu. Về y phục trình diễn tôi đã tốn rất nhiều tiền vào việc mua sắm: từ Paris, London, New York, Hồng Kông, Thái Lan, Úc, những nơi tôi đặt chân đến, ở đâu có bán những y phục được vẽ kiểu bởi những tay "designer" như Thierry Mugler, Kansai, Kenzo, Byblos, tôi đều ghé qua mua sắm hoặc đặt may.
Tôi nhớ mãi đã mặc một bộ đồ do Daniel Hechter vẽ kiểu, giống hệt như bộ do chồng công chúa Monaco đã bận trong ngày thành hôn. Tôi đã mặc bộ đó trong lần từ Paris sang California ra mắt khán giả tại đây. Anh Jo Marcel và Khánh Ly đã khen lấy khen để kiểu y phục này! Có lần sang trình diễn ở Hồng Kông, tôi đã thay áo khoác ngoài sau mỗi bản nhạc trình bày và đêm hôm đó tôi đã thay gần một chục bộ khiến các ca sĩ Hồng Kông như Lưu Đức Hoa và Lữ Lương Vĩ lé mắt. Tủ quần áo của tôi chứa đến hàng trăm bộ "suits", áo khoác ngoài cũng rất nhiều, trong số đó có những chiếc áo Kansai Yamamoto rất nổi tiếng.
>>> Còn tiếp
Elvis Phương tên thật là Phạm Ngọc Phương, sinh tại Bình Dương. Nghệ danh của ông bắt nguồn từ Elvis Presley - huyền thoại rock & roll người Mỹ ông ngưỡng mộ.
Ông được biết đến với chất giọng khỏe, cao, hát được nhiều thể loại như pop, rock và nhạc trữ tình. Ông từng là thành viên của Phượng Hoàng - ban nhạc rock đầu tiên của Sài Gòn trước năm 1975. Cùng Nguyễn Trung Cang, Lê Hựu Hà, ông thuộc thế hệ ca sĩ khuấy động nhạc trẻ thời kỳ ấy. Các ca khúc được yêu mến của ông là Vết thù trên lưng ngựa hoang, Áo anh sứt chỉ đường tà (Phạm Duy), 10 năm tình cũ (Trần Quảng Nam), Niệm khúc cuối (Ngô Thụy Miên) cùng nhiều tình khúc nhạc Pháp lời Việt.
(Trích sách Dòng đời, Phương Nam phát hành)