Cuốn hồi ký có tên nguyên gốc tiếng Hy Lạp là Lời chứng của một người Việt gốc Hy Lạp về cuộc đấu tranh giành độc lập của Việt Nam. Câu chuyện, lời kể của anh hùng Kostas Sarantidis (Nguyễn Văn Lập) được Hội những người Hy Lạp ở nước ngoài ghi chép, lưu giữ lại, khẳng định "những trải nghiệm của ông có lẽ là duy nhất trên thế giới''.
Năm 2022, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức biên soạn, lược dịch sau khi nhận được bản thảo từ Đại sứ quán Việt Nam tại Hy Lạp. Tháng 10 năm nay, tác phẩm được xuất bản với tên Việt Nam - Quê hương thứ hai của tôi, dài gần 600 trang, gồm những bài viết có tiêu đề như: Thư từ Hy Lạp, Những cuộc tuần tra đầu tiên, Tháng 4/1946: Đi Đà Lạt, Từ ngày 3 đến 4/6/1946 - tôi đào ngũ và gia nhập quân đội thế nào?...
Tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật Vũ Trọng Lâm cho biết hồi ký là một trong những minh chứng rõ nét, tái hiện bức tranh khốc liệt của cuộc chiến tranh cách mạng Việt Nam. Trong đó, chân dung Kostas Sarantidis - Nguyễn Văn Lập hiện lên bình dị nhưng mang đậm khí phách anh hùng.
Ông Vũ Trọng Lâm nói cuốn sách là món quà tinh thần dành tặng những thế hệ người Hy Lạp, Việt Nam đã có nhiều đóng góp trong việc tạo dựng, duy trì và phát triển mối quan hệ song phương, hữu nghị giữa hai nước. Đồng thời, hồi ký cung cấp tư liệu, giúp bạn đọc hai quốc gia hiểu biết, trân trọng lịch sử dân tộc mình.
Kostas Sarantidis (1927-2022) sinh ra ở Hy Lạp nhưng dành gần như tuổi xuân tham gia quân đội Việt Minh chống Pháp. Đầu tháng 2/1946, ông thuộc binh đoàn lính lê dương của Pháp tới Sài Gòn với ''khát vọng giải phóng'' các xứ ở đây như lời chính quyền Pháp. Tuy nhiên chứng kiến cảnh giết cướp tàn bạo của các sĩ quan Pháp, ông nhận ra mình tới đây không phải để bảo vệ người dân.
Tháng 6/1946, Kostas Sarantidis trốn khỏi đội quân lê dương, sang hàng ngũ Việt Minh và lấy tên Việt là Nguyễn Văn Lập. Chín năm kháng chiến chống Pháp, ông được giao phụ trách các công việc trong các đơn vị quân chính quy Liên khu 5, có mặt trong nhiều trận chiến ở miền Trung.
Sau Hiệp định Geneva năm 1954, ông tập kết ra Bắc, tiếp tục làm cách mạng. Năm 1958, Kostas Sarantidis lấy vợ, sinh bốn con, đều lấy tên Việt. Sau gần 20 năm ở Việt Nam, năm 1965, ông trở về Hy Lạp, tiếp tục là cầu nối hữu nghị giữa hai nước. Trên hòm thư trước cổng nhà, ông đề tên Hy Lạp và Việt Nam - Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập.
Năm 2011, Kostas Sarantidis được nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao tặng Huân chương Hữu nghị và cấp quốc tịch Việt Nam. Ông là người nước ngoài đầu tiên và duy nhất đến nay nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, năm 2013. Sau khi qua đời ở tuổi 94, tro cốt của ông được đưa về Việt Nam theo di nguyện. Ông an nghỉ tại Nghĩa trang Quân khu 5 (Đà Nẵng).
Phương Linh