Cuốn Hồi ký căn cứ kháng chiến khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định (1945-1975) là ấn phẩm đồ sộ về hành trình chống giặc của người dân trên địa bàn TP HCM qua hai cuộc kháng chiến của dân tộc.
Sách có 102 bài viết của các tác giả, cũng đồng thời là những người từng trực tiếp tham gia các cuộc kháng chiến chống Mỹ và Pháp viết ra. Đây được xem là thiên hồi ký tái hiện những căn cứ kháng chiến nổi tiếng trên mảnh đất Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Trong đó, có 19 bài về kháng chiến chống thực dân Pháp và 103 bài về kháng chiến chống Mỹ.
Những bài viết trong cuốn sách là những tập hợp ban đầu, phản ánh một phần rất nhỏ cuộc sống, chiến đấu, học tập, lao động, rèn luyện cực kỳ anh dũng và phong phú, đầy ắp tình yêu thương của đồng bào, đồng chí, đồng đội.
Mỗi bài viết là những câu chuyện kể sống động, hào hùng về thời đạn bom, khói lửa kèm theo nhiều phân tích, lý giải về các sự kiện lịch sử. Trong hai cuộc kháng chiến lớn của dân tộc, nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định xây dựng hàng loạt căn cứ kháng chiến lớn nhỏ ở vùng ven hay nội đô như: Chiến khu An Phú Đông, căn cứ Vườn Thơm... Hay căn cứ rừng Sác với địa hình sông rạch, thủy triều rừng cây đã biến nơi này thành "trận đồ bát quái" làm quân địch khiếp sợ. Căn cứ Củ Chi nổi tiếng với hệ thống địa đạo dài hàng trăm km tỏa rộng trong lòng đất... Khắp nơi tại quận 1, quận 2, quận 3, quận 4, quận Thủ Đức, huyện Củ Chi... nơi nào ở TP HCM cũng in dấu những thời khắc lịch sử.
Ông Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy TP HCM, là một trong số nhiều người có những kỷ niệm không thể quên về các căn cứ kháng chiến trên mảnh đất Sài Gòn. Ông Hải kể, vào những năm 1969 - 1970, ông được một gia đình lao động, sống trong căn nhà lụp xụp trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè cưu mang để tham gia hoạt động kháng chiến. Gia đình này nghèo, đông con, người cha làm nghề lái xe mướn. Ông Hải đóng vai là cháu ở quê lên ở nhờ đi làm công nhân. Gia đình họ hàng ngày ăn cơm chỉ bằng rau muống với trứng luộc. "Một hôm, vào buổi trưa, cả nhà đang ăn cơm, tôi về đột xuất, thấy tôi vừa về, ông đã buông đũa, không ăn cơm nữa. Ông đã nhường phần cơm của ông cho tôi. Bữa cơm ấy đối với tôi, vừa nuốt miếng cơm, vừa nuốt nước mắt", ông Hải chia sẻ lại tình cảm của người dân TP HCM trong thời gian chiến đấu.
Ban cố vấn biên soạn cuốn sách là ông Phan Văn Khải (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ), ông Trần Hữu Phước (nguyên phó trưởng ban thường trực, ban chỉ đạo Khu Di tích lịch sử miền Nam). Ban thường vụ Thành ủy chỉ đạo biên soạn.
Ngoài ra, ngày 5/5, tại TP HCM diễn ra hội thảo khoa học “Từ chiến thắng Điện Biên Phủ đến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử - những giá trị trường tồn”, do trường cán bộ thành phố tổ chức. Dịp này, ấn phẩm cùng tên với hội thảo cũng được ra mắt. Đây được xem là nguồn tư liệu dồi dào về hai dấu mốc quan trọng trong hành trình kháng chiến của quân dân Việt Nam.
Trước đó, trong khuôn khổ Ngày sách Việt Nam diễn ra ở TP HCM, Nhà xuất bản Tổng hợp cùng Thành đoàn TP HCM có buổi giao luu chủ đề "Kể chuyện kháng chiến" để giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách Hồi ký căn cứ kháng chiến khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định.
Thất Sơn