Trần Đức, ở Gò Vấp, từ nhỏ thích mặc váy, làm điệu, chơi đồ hàng búp bê. Lớn lên, Đức cảm nhận rõ bản dạng giới (cảm nhận của một người về giới mình thuộc về) là nữ, trong khi giới tính sinh học (được xác định dựa vào cơ quan sinh dục) là nam.
16 tuổi, do khủng hoảng tâm lý, Đức bỏ dở việc học, tự lập cuộc sống với nhiều nghề khác nhau. 5 năm sau, nỗi khao khát được trở thành người con gái thực sự thôi thúc Đức sang Thái Lan phẫu thuật chuyển giới từ nam sang nữ.
Trải qua nhiều đau đớn, ngỡ tưởng sẽ sống hạnh phúc khi được là chính mình, Đức lại cảm thấy thất vọng về ngoại hình và cho rằng "có gì đó không ổn".
"Tôi chờ đợi ngày xuất hiện trở lại với vẻ ngoài là con gái đích thực, nhưng mọi người chỉ coi tôi là người chuyển giới", Đức kể, thêm rằng khuôn mặt và giọng nói chưa được nữ tính nên mỗi khi ra ngoài phải trang điểm rất đậm. Ngoài ra, Đức phải gồng ép bản thân để trở nên nhẹ nhàng, nữ tính hơn, xóa đi định kiến còn "chất thô đàn ông".
Thực tế, Đức chưa thực sự đẹp và mềm mại. Mỗi ngày, Đức mất 1-1,5 tiếng để chăm sóc các bộ phận mới. Mặc áo ngực không quen khiến Đức cảm thấy gò bó, vướng víu. Trong khi đó, nhiều công ty e dè khi phỏng vấn một người chuyển giới như Đức. Ngoại hình chưa hoàn chỉnh khiến chuyện tình cảm cũng dễ đổ vỡ.
Đức nhiều đêm trăn trở, cuối cùng quyết định dừng uống thuốc nội tiết, cắt tóc ngắn, mặc đồ con trai và kết nối với những người bạn mới. Đức tặng quần áo của mình cho một cơ sở từ thiện, sau đó phẫu thuật tháo túi ngực và trở lại làm con trai (xu hướng tính dục là đồng tính nam - gay).
Cũng gặp nhiều khó khăn với diện mạo mới, Tú 21 tuổi, cảm thấy hối hận sau khi trải qua cuộc phẫu thuật từ nữ sang nam. Những cuộc phẫu thuật cắt bỏ ngực, buồng trứng và tử cung khiến sức khỏe của Tú suy yếu do phải dùng nhiều loại thuốc giảm đau và kháng sinh.
Sử dụng hormone testosterone cùng những thay đổi nội tiết, Tú thường xuyên đổ mồ hôi đêm, gặp vấn đề tiết niệu, tâm trạng lo lắng, căng thẳng. Không những vậy, nhiều lần Tú bị các cơ quan, đơn vị hành chính từ chối xác nhận hoặc cho làm thủ tục tạm trú, mua bảo hiểm y tế, làm thẻ ngân hàng do ngoại hình hiện tại không trùng với ảnh trong căn cước công dân.
Cuộc sống khó khăn đẩy Tú vào thế bế tắc, nhiều lần cô nghĩ đến việc phẫu thuật trở lại hình dáng là người nữ. "Tôi cảm thấy hối hận về việc chuyển giới vì suy nghĩ chưa chín chắn, nhưng hiện vẫn chưa đủ can đảm cũng như chưa có điều kiện kinh tế để phẫu thuật lấy lại giới tính ban đầu", Tú nói.
Đức và Tú là hai trong khoảng 480.000 người chuyển giới ở Việt Nam, theo ước tính của Bộ Y tế. Việt Nam hiện chưa có nghiên cứu về tỷ lệ người chuyển giới mong muốn quay lại giới tính ban đầu, song các chuyên gia nhận định nhóm người này không hiếm.
Anh Huỳnh Minh Thảo, nhà hoạt động thúc đẩy quyền LGBTQ+ Việt Nam, người đồng hành cùng Đức và Tú, cho biết những chia sẻ trên các nhóm riêng của cộng đồng chuyển giới cho thấy khoảng 10-30% người chuyển giới cảm thấy chưa hài lòng về ngoại hình và cuộc sống sau chuyển giới, dẫn đến cảm giác hối hận.
Nhiều người cho biết bị áp lực bởi những kỳ vọng từ người xung quanh khiến phải thay đổi ngoại hình, ăn mặc, thậm chí phẫu thuật, nhưng lại không hình dung hết những thách thức sẽ phải trải qua.
Khi thay đổi ngoại hình, nhiều người thấy lạ lẫm, phiền phức. Thực tế, các phẫu thuật liên quan đến chuyển giới, nhất là tạo hình bộ phận sinh dục khá phức tạp, nguy cơ rủi ro sức khỏe và kinh phí lớn nên nhiều người không đi đến tận cùng. Ngoại hình không được như mong muốn khiến họ buồn chán, thất vọng.
"Họ không tự tin khi tiếp xúc xã hội, khó khăn trong công việc hoặc tình cảm, trong khi gia đình ruồng bỏ, cộng đồng kỳ thị càng là yếu tố thúc đẩy, khiến người chuyển giới hối hận", anh Thảo nói.
Bên cạnh đó, nhiều người chưa có cơ hội sống thử trước khi quyết định phẫu thuật chuyển giới nên gặp khó khăn, bao gồm các vấn đề thể chất, tâm lý. Nhiều chuyên gia y tế cho rằng không phải ca phẫu thuật chuyển giới nào cũng hoàn chỉnh, tỷ lệ biến chứng cao, có những người bị bệnh tật đeo đẳng suốt đời.
Ngoài ra, tiêm hoặc uống hormone để thay đổi nội tiết tố sinh dục ảnh hưởng thể chất lẫn tinh thần. Người chuyển giới phải dùng thuốc nội tiết nam hoặc nữ lâu dài, thậm chí cả cuộc đời, song dịch vụ khám tiêm hormone tại các cơ sở y tế lại không có. Nhân viên y tế tỏ thái độ định kiến, kỳ thị khiến họ ngại tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chính thống, dẫn đến tự mua thuốc uống, tự tiêm hormone quá liều, biến chứng, nhiễm trùng.
Sức khỏe suy giảm, khan hiếm dịch vụ y tế, sự kỳ thị từ cộng đồng, đẩy nhiều người chuyển giới đến bờ vực trầm cảm, tự sát, muốn quay lại giới tính ban đầu.
Thủ tục giấy tờ cũng là một vấn đề gây khó cho người chuyển giới. Như Tiên, một người chuyển giới ở Long An, chia sẻ rằng ảnh trên căn cước công dân khác với diện mạo hiện tại nên nhiều lần Tiên bị các cơ quan, đơn vị từ chối hồ sơ, giấy tờ, từ đăng ký tạm trú, làm thẻ ngân hàng cho đến xin việc. "Tôi cảm thấy cực kỳ phiền phức, mất thời gian và tiền bạc", Tiên nói.
Theo anh Thảo, một số ít khác ngộ nhận phải phẫu thuật, dẫn đến hối hận. Thực tế, luật pháp các nước công nhận một cá nhân là chuyển giới, kể cả họ chưa trải qua phẫu thuật. Ngộ nhận này do nhu cầu được sống với cơ thể mong muốn, nếu không họ sẽ bị bức bối giới, dẫn đến căng thẳng tâm lý.
Anh Thảo nhận định việc một người muốn thực hiện chuyển đổi giới tính cần trải qua nhiều bước xác định về tâm lý, sống thử trong đời sống chuyển giới. Nhiều quốc gia xem thời gian sống thử là giai đoạn bắt buộc trong tiến trình xác nhận việc một người có phải là người chuyển giới hay không.
"Phẫu thuật chuyển giới còn tùy thuộc rất nhiều vào nhu cầu, điều kiện kinh tế, sức khỏe của mỗi người, không nhất thiết phải bất chấp bằng mọi cách để thực hiện nếu như chúng ta chưa chuẩn bị tâm lý, tài chính kỹ lưỡng", anh Thảo cho hay, thêm rằng điều quan trọng nữa là cần cân nhắc những rủi ro có thể xảy ra và các phương án dự phòng trước khi có những quyết định thay đổi này.
Hiện, cơ thể Đức gần như trở về một người đàn ông bình thường. Đức cho biết: "Tôi biết chính xác mình muốn gì và cần gì".
Thúy Quỳnh
* Tên nhân vật được thay đổi