Thứ tư, 10/10/2018, 12:22 (GMT+7)

Hội đua bò miền biên viễn 

Khoảng 20.000 người có mặt để chứng kiến các màn tranh tài kịch tính tại Lễ hội đua bò Bảy núi tỉnh An Giang 2018. 

Sân đua bò ở Chùa Thơ Mít, xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang sáng 8/10. 

Đây là một trong hai địa điểm được lựa chọn để luân phiên tổ chức sự kiện văn hoá – thể thao độc đáo nhân dịp lễ cổ truyền Dolta của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer. 

64 đôi bò đến từ các huyện của tỉnh An Giang và tỉnh Kiên Giang tham gia tranh tài. Bò đua phải có tố chất tốt như thân hình cao to, những bước chạy nhanh và tính chiến đấu cao. Mỗi cặp bò có giá từ 60 đến hơn 100 triệu đồng.

“Nài” hoặc “Tài xế” đứng trên một cái bừa. Họ điều khiển bằng dây cột ở mũi hai con bò và khi cần, có thể dùng gậy gắn đinh nhọn để đâm thúc chúng chạy nhanh hơn.

“Tuỳ vào từng gia đình, ai có nhiều tiền sẽ sắm những con bò tốt, ưng ý”, một chủ bò chia sẻ cùng VnExpress. “Ngoài nhiệm vụ đem đi tranh tài, bình thường những chú bò này cũng phải làm việc đồng áng cho nông dân”.

64 cặp bò được chia vào 32 cặp đấu để loại trực tiếp và chọn ra đôi bò vô địch. Đến lượt thi đấu, hai cặp sẽ được bốc thăm để quyết định thứ tự đi trước và đi sau. Sau đó, hai cặp chạy một vòng quanh sân, trong đó nửa chặng đầu là vòng “hô” (đi với tốc độ chậm) và nửa còn lại là vòng “thả” (tăng tốc để về đích).

Tại vòng “hô”, cặp đi sau đạp lên bừa của cặp đi trước thì bị xử thua. Nhưng ngược lại, ở vòng “thả”, cặp phía sau đạp được bừa của cặp trước hoặc duy trì được khoảng cách 4 mét khi về đích thì sẽ thắng cuộc. 

Trong lúc thi đấu, cặp nào chạy ra khỏi đường đua, leo lên bờ cũng bị xử thua.

Xuất phát trước có lợi thế làm chủ chiến thuật để lúc cần có thể tăng tốc nhằm loại bỏ đối thủ. Ở chiều ngược lại, đi sau cũng có lợi thế khi giữ được khoảng cách với cặp phía trước, và khi vào vòng “thả”, đôi phía sau chỉ cần chạm được vào bừa hoặc giữ khoảng cách 4 mét là chiến thắng.

Người điều khiển bò chủ yếu là nông dân khoẻ mạnh, gan dạ. “Tôi đã làm 'tài xế' cho bò được 18 năm. Nhưng vì nhà nghèo nên chỉ có cặp bò bình thường, chủ yếu đoạt giải khuyến khích”, Thạch Minh, 36 tuổi, chia sẻ.

Trong khi thi đấu, có nhiều trường hợp "nài" văng ra khỏi bừa, bị bò dẫm đạp lên, dẫn đến gãy chân tay hoặc chấn thương nặng.

Bên cạnh nhiệm vụ đồng áng, các cặp bò được tập luyện hàng ngày với "nài". Khoảng một tuần trước giải đấu, chúng được bồi bổ bằng cháo, trứng gà, soda hoặc nước dừa... và không phải đi cày bừa để có sức khoẻ tốt nhất.

Tại An Giang, hàng năm có nhiều giải đua bò cho nông dân. Sau giải đấu, hai con bò không hợp nhau, con chạy nhanh con chạy chậm, thì nếu chủ bò có điều kiện sẽ mua con khác về thay thế.

Một "nài" đã bị văng ra khỏi bừa, khiến cặp bò đua chạy lên khán đài làm khán giả hoảng loạn bỏ chạy. Trong trường hợp này, đôi bò nào leo lên bờ trước sẽ bị xử thua.

Năm nay cặp bò của ông Nguyễn Thành Tài ở xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn đánh bại cặp bò của ông Ngô Văn Cước ở xã Núi Voi, huyện Tịnh Biên trong trận chung kết, để giành chức vô địch với phần thưởng 30 triệu đồng. 

Lễ hội đua bò Bảy núi luân phiên được tổ chức hàng năm giữa hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn. Đây là hai huyện nằm cạnh nhau và giáp ranh với Campuchia.

Khác với Lễ hội Chọi trâu ở Đồ Sơn (Hải Phòng), cặp bò chiến thắng vẫn được nuôi nấng và trở về với công việc bình thường, thậm chí còn “lên giá”.

Sôi động lễ hội đua bò Bảy núi An Giang
 
 

Lễ hội đua bò Bảy núi 2018. Nguồn: ATV

Đức Đồng