Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam vừa tròn 30 tuổi. Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội, nói từ một câu lạc bộ với 15 thành viên, hội đã có mạng lưới phủ khắp 63 tỉnh thành với tổng 19.000 hội viên. Các thành viên của hội đang tạo ra 5 triệu việc làm, tổng doanh thu mỗi năm đạt trên 40 tỷ USD.
Kể về những ngày đầu thành lập tại Tọa đàm Thay đổi - Bất biến vừa qua, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT, Chủ tịch hội khóa đầu tiên, nói lúc đó, doanh nhân bị xem là "trọc phú, con buôn". Nhiệm vụ của những người như ông là thay đổi được quan niệm, khẳng định vị thế của doanh nhân.
Thực tế, như ông chỉ ra, doanh nhân là những người làm việc đầu tắt mặt tối, không có ngày nghỉ. Họ là những người đang tạo ra của cải, nộp thuế, tạo công ăn việc làm cho xã hội. Đặc biệt, ông Bình nói, doanh nhân là những người "có trái tim tử tế". Sứ mạng khẳng định vị thế của doanh nhân, theo ông, vẫn còn phải tiếp tục bởi chính những người là doanh nhân.
Đồng tình, ông Phương Hữu Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Á, Chủ tịch Hội khóa 2, lưu ý, doanh nhân trẻ cũng cần có khát vọng lớn theo từng ngày, từng giờ để có thể tận dụng các thời cơ đưa Việt Nam vươn ra toàn cầu. Họ sẽ phải là những người hiện thực hóa được giấc mơ giúp Việt Nam có những sản phẩm, chuỗi sản phẩm, lĩnh vực vươn tầm thế giới.
Trong khi đó, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư U&I, Chủ tịch khóa 4, đánh giá doanh nhân trẻ Việt ngày nay đã tiến được những bước dài, từ những người đi học để tham gia vào cuộc chơi toàn cầu, đã trở bắt đầu thành những người có tiếng nói quan trọng, đối tác "đồng vai phải lứa" trên thương trường. Ông cho rằng, cộng đồng doanh nhân trẻ cần tiếp tục tham gia, dẫn dắt cuộc chơi chung.
Hiện nay, các doanh nhân nói chung đang đứng trước nhiều thách thức mới đến từ sự bất định của tình hình địa chính trị, thay đổi công nghệ, đổi mới sáng tạo, xanh hóa. Bà Phạm Bích Huệ, Phó chủ tịch Hội, chia sẻ trong thế giới đổi thay nhanh chóng, mọi thứ đều tăng tốc, người nào không thay đổi có nghĩa là đang tụt hậu. "Nếu bị động thay đổi, sẽ khó tồn tại", bà nói.
Theo bà, luôn có những thay đổi chủ động và bị động. "Với doanh nhân, nếu là người dấn thân và dẫn đầu sẽ chủ động thay đổi. Khi đó, những tổn thất, những lựa chọn mất mát tôi nghĩ sẽ trong tầm kiểm soát. Còn những thay đổi bị động sẽ khó tồn tại và phát triển. Đôi khi cũng có những cơ may", bà Huệ phân tích.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm 30 năm của Hội chiều 27/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói, cơ đồ, tiềm lực, vị thế của Việt Nam ngày nay có một phần đóng góp của doanh nhân các thế hệ.
Thời gian tới, Thủ tướng cho biết, tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, thời cơ đan xen thách thức, tuy nhiên, thách thức sẽ chiếm phần hơn. Nhiều vấn đề nổi lên mang tính chất toàn cầu do đó, cách tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận phải mang tính toàn cầu, toàn dân, đặt trong tổng thể của thế giới thì mới tranh thủ được sức mạnh của thời đại.
Thủ tướng nói, các doanh nhân phải xác định là không có việc gì dễ dàng, nhất là trong bối cảnh một nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô kinh tế còn nhỏ, độ mở lớn, sức chống chịu còn hạn chế. Tuy nhiên, ông lưu ý không nên bi quan mà phải lạc quan để vươn lên.
Ông khẳng định Chính phủ sẽ tiếp tục tạo mọi thuận lợi cho người dân sản xuất kinh doanh, phát triển, đẩy mạnh đột phá về thể chế, hạ tầng và nhân lực, những yếu tố mà mọi doanh nghiệp đều cần.
"Cơ chế chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản lý thông minh để giảm chi phí tuân thủ, phiền hà sách nhiễu, không có tiêu cực", ông nói. Ngoài ra, Việt Nam sẽ tập trung vào các ngành mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ.
Đức Minh