Thông cáo ngày 25/3 của Hội Địa lý Quốc gia Mỹ (NGS) cho biết Ủy ban chính sách bản đồ của Hội đã thảo luận chi tiết, sau khi nhận được phản hồi về cách chú thích quần đảo Hoàng Sa.
Bản đồ của NGS xuất bản ghi Tây Sa và Trung Quốc ở vị trí quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. |
Dựa trên thông tin và các nghiên cứu tốt nhất có được, Ủy ban đưa ra những đánh giá độc lập về những thay đổi hoặc chú giải trên các bản đồ trong tương lai, cũng như sửa chữa các sai sót.
Theo đó, tên của quần đảo Hoàng Sa trên các bản đồ do NGS xuất bản sẽ được sửa chữa như sau:
"- Trên bản đồ thế giới cỡ nhỏ: sử dụng tên thông dụng là Paracel Islands; bỏ hết các thông tin về chủ quyền.
- Trên các bản đồ khu vực, châu lục và vùng, cỡ lớn: sử dụng tên thông dụng là Paracel Islands. Mở rộng phần chú giải về chủ quyền: Trung Quốc chiếm đóng từ năm 1974 và gọi là Tây Sa quần đảo; Việt Nam tuyên bố chủ quyền và gọi là quần đảo Hoàng Sa.
Sự thay đổi này sẽ được áp dụng trên các bản in trong tương lai, và sẽ được nhanh chóng chỉnh sửa trên bản online".
Trước đó, vào ngày 13/3, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã yêu cầu NGS sửa sai trên bản đồ - ghi quần đảo Hoàng Sa bằng tên gọi của người Trung Quốc là "Xisha" (Tây Sa) và bên dưới chú thích thêm là "China" (Trung Quốc). Việt Nam tuyên bố có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử chứng tỏ quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Ngày 16/3, NGS ra thông báo thừa nhận việc ghi chú về quần đảo Hoàng Sa như vậy có thể gây hiểu nhầm.
Trong thông cáo, Hội địa lý Mỹ nhấn mạnh quan điểm làm khoa học phi vụ lợi, phi chính trị, tham khảo nhiều nguồn thông tin và ra quyết định độc lập dựa trên nghiên cứu của Hội. NGS nói rằng họ "không đứng về bên nào trong các tranh chấp lãnh thổ hoặc tên gọi, mà chỉ muốn phản ánh thực tế".
Thanh Mai