"Chúng tôi đã thống nhất về những vấn đề chính", Reuters dẫn lời Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trước báo giới sau cuộc đàm phán, đồng thời cho biết một lệnh ngừng bắn sẽ có hiệu lực từ ngày 15/2.
"Sau 17 tiếng, cuộc đàm phán ở Minsk đã kết thúc với một lệnh ngừng bắn có hiệu lực từ 0h ngày 15/2 và tiếp đó là rút các vũ khi hạng nặng. Có hy vọng trong điều này", Steffen Seibert, người phát ngôn của Thủ tướng Đức Angela Merkel, viết trên Twitter.
Tổng thống Pháp Francois Hollande cho biết phe ly khai cũng đã ký vào thỏa thuận chấm dứt giao tranh ở miền đông Ukraine. Ông cùng Thủ tướng Đức Merkel, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko sẽ đề nghị Liên minh châu Âu (EU) hỗ trợ thỏa thuận trong một phiên họp thượng đỉnh diễn ra vào cuối ngày hôm nay.
Theo ông Hollande, vẫn còn rất nhiều việc cần làm liên quan đến khủng hoảng Ukraine nhưng thỏa thuận hôm nay là một cơ hội thực sự để cải thiện tình hình.
Tổng thống Ukraine Poroshenko cũng xác nhận thông tin về thỏa thuận ngừng bắn. "Điều quan trọng nhất đã đạt được là từ ngày thứ bảy đến ngày chủ nhật (14 đến 15/2) sẽ có một lệnh ngừng bắn tổng thể mà không cần bất kỳ điều kiện nào", ông phát biểu trước báo giới sau cuộc họp.
Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho biết thỏa thuận đạt được tại cuộc gặp 4 bên ở Minsk không phải là tất cả những gì nước này mong chờ nhưng đây là bước đi rất cần thiết để chấm dứt bạo lực và hướng tới giải pháp chính trị.
"Quan trọng nhất là Moscow và Kiev thống nhất về một lệnh ngừng bắn... chúng tôi đã củng cố được thỏa thuận Minsk hồi tháng 9 năm ngoái", ông Steinmeier cho biết trong một thông báo. "Điều này vẫn chưa đủ. Chúng tôi còn mong muốn nhiều hơn thế nhưng đây là việc mà tổng thống Nga và Ukraine có thể tán thành".
Theo ngoại trưởng Đức, các cuộc đàm phán diễn ra cực kỳ khó khăn. Ông hy vọng hai bên trong thỏa thuận những ngày sắp tới sẽ không có bất kỳ hành động nào có thể gây ảnh hưởng đến lệnh ngừng bắn.
Lãnh đạo 4 nước Nga, Ukraine, Pháp và Đức hôm qua bắt đầu cuộc họp lịch sử ở thủ đô Minsk của Belarus để tìm lối thoát cho khủng hoảng Ukraine. Tình trạng bạo lực ở khu vực này đã làm hơn 5.000 người thiệt mạng kể từ khi bùng phát vào giữa tháng 4 năm ngoái.
Cuộc đàm phán tập trung vào việc đảm bảo cho một lệnh ngừng bắn, rút các vũ khí hạng nặng và thiết lập một vùng phi quân sự. Chính phủ Ukraine tìm cách xác định một đường ranh giới dựa trên thỏa thuận ngừng bắn ký ngày 5/9 năm ngoái trong khi phe ly khai muốn có một thỏa thuận mới phản ánh thắng lợi họ thu được trong vài tuần gần đây.
Như Tâm