![]() |
Cùng với chức vô địch của đội bóng, Hội cổ động viên xứ Nghệ hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu Hội cổ động viên tốt nhất năm.ảnh: Nguyên Khoa |
Những thập kỉ trước, khi V-League chưa ra đời, sân Vinh thực sự trở thành chảo lửa, là nơi đi dễ khó về của bất cứ đội bóng nào. Người dân phường Cửa Nam còn nhớ như in vào mỗi buổi chiều có trận đấu diễn ra, khắp các ngả đường đến sân vận động thành phố Vinh đều kẹt cứng. Hàng vạn nông dân không từ các huyện đồng bằng ven biển như Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên đến các vùng miền núi của Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương không ngần ngại bắt xe đò, vượt mưa nắng đến thành phố Vinh cổ vũ cho đội bóng quê nhà.
Sau chức vô địch đầu tiên lên chơi ở V-League năm 2001, bóng đá xứ Nghệ bước vào giai đoạn thăng trầm và rất khó khăn trong việc tìm lại chính mình. Những biểu tượng của xứ Nghệ kẻ phải vào tù ra tội, người phải tha phương cầu thực, mang chuông đi đánh xứ người để tìm lấy vinh quang. Thời kì này, khán giả xứ Nghệ không biết đặt niềm tin vào ai, sân Vinh trở nên vắng bóng đến lạnh lùng. Trên khán đài, câu khẩu hiệu “giận thì giận mà thương càng thương” mờ dần theo năm tháng, chiếc áo vàng khổng lồ - biểu tượng của cổ động viên xứ Nghệ cũng cũ nát mà chẳng ai hay…
Khi đó, câu lạc bộ Sông Lam Nghệ An đã cứu vãn tình hình bằng việc mở cửa tự do một số khán đài, bán giá rẻ, ưu đãi cho tất cả cổ động viên nhưng sân Vinh vẫn vắng bóng như chùa bà đanh vì khán giả xứ Nghệ đã cạn niềm tin vào những cầu thủ con cưng của mình. Khi đó, sân Vinh còn nổi tiếng là tử địa của rất nhiều hội cổ động viên vì những sự cố xô xát với cổ động viên của Thể Công, Hải Phòng,…
Sau nhiều cú áp phe của các doanh nghiệp với mong muốn mua lại câu lạc bộ Sông Lam Nghệ An nhưng không thành, đội bóng xứ Nghệ được bà Thái Hương giúp đỡ và bắt đầu đi theo mô hình chuyên nghiệp như những đội bóng đại gia khác. Lúc đầu, người hâm mộ xứ Nghệ tỏ vẻ hoài nghi khi bộ đôi Hồng Thanh – Hữu Thắng trở về làm lại bóng đá xứ Nghệ. Nhưng sau chức vô địch Cup quốc gia ở mùa giải 2010, người hâm mộ lại bắt đầu hi vọng. Trên các khán đài, màu áo vàng đã xuất hiện trở lại ở chảo lửa thành Vinh.
Khi mà đội bóng Sông Lam Nghệ An từng bước khẳng định mình, liên tục thi đấu ấn tượng trong suốt mùa giải 2011, như một lẽ tự nhiên, hội cổ động viên của họ cũng dần dần xây dựng nên thương hiệu của mình. Ở mùa giải này, hiếm có hội cổ động viên nào có được những hoạt động hiệu quả và thiết thực như SLNA. Với ưu thế là lượng người Nghệ làm ăn, lập nghiệp xa quê rất nhiều, hội cổ động viên Sông Lam đã biến các khán đài ở Tây Nguyên, Đồng bằng Sông Cửu Long, Hà Nội thậm chí cả Thanh Hóa, Ninh Bình trở thành sân nhà của họ với mục tiêu biến sân khách thành “Chảo lửa thành Vinh”.
Ngay ở đầu mùa giải, người hâm mộ cả nước đã bị choáng ngợp bởi hàng ngàn cổ động viên xứ Nghệ nhuộm vàng sân vận động Gò Đậu với khẩu hiệu “Chảo lửa thành Vinh giữa lòng Gò Đậu”, sau trận đấu đó, SLNA thắng tưng bừng với tỉ số 4 – 1 khiến cho khán giả xứ Nghệ vô cùng phấn khích.
Nhiều thành viên của diễn đàn FC SLNA đã xem đây là trận đấu bước ngoặt không chỉ đối với đội bóng mà còn với cả cổ động viên. Từ đây, tất cả các trận đấu của đội bóng trên sân khách đều có đông đảo cổ động viên xứ Nghệ đến cổ vũ và mang theo các khẩu hiệu và giai điệu "giận thì giận mà thương càng thương” nổi tiếng của mình.
Trước trận "chung kết" V-League gặp Hà Nội T&T, sân Vinh lên đỉnh điểm cơn sốt vé, người hâm mộ xứ Nghệ sắp hàng đến sân Vinh với mục tiêu mua được chiếc vé với giá cắt cổ từ các đầu nậu để vào xem đội chủ nhà nâng cup vô địch. Khi trận đấu chưa diễn ra, hàng ngàn người hâm mộ dù mua được vé nhưng vẫn không thể vào sân vì sân Vinh đã quá tải, nhiều người đã phá cửa để vào sân, nhiều người khác dùng thang, trèo tường để xem, một số ngồi tít trên ngọn cây, nóc nhà cao tầng,...
![]() |
Trong trận chung kết, rất nhiều khán giả xứ Nghệ đã không vào được sân đành ngồi trên các ngọn cây để cổ vũ. ảnh: Nguyên Khoa |
Không chỉ nổi tiếng với những cuộc hành trình bằng xe máy từ Sài Gòn lên Gia Lai, bằng những cuộc họp mặt hội cổ động viên 3 miền trên sân Đà Nẵng, Sân Vinh,… Hội cổ động viên Sông Lam Nghệ An còn ghi dấu ấn trong lòng người dân bằng những đợt vận động từ thiện có ý nghĩa. Sau trận lụt lịch sử năm 2010, các thành viên của Hội đã tổ chức quyên góp đưa nhiều sách vở, quần áo về với đồng bào vùng lũ. Sau vụ sập mỏ đá Lèn Cờ, Hội cổ động viên xứ Nghệ giúp đỡ những em bé mồ côi cha mẹ ở xã Nam Thành của huyện Yên Thành,…
Sau lễ rước cup vô địch V-League hàng vạn cổ động viên xứ Nghệ đã xúc động tiễn đưa bác Thái Ngọc Nại 73 tuổi ở Xã Thanh Mỹ - huyện Thanh Chương – một cổ động viên nhiệt thành của đội bóng bị tai nạn giao thông sau khi đi diễu hành, rước cup cùng đội bóng.
Với sự tổ chức khá quy củ, hiện nay, Hội cổ động viên Sông Lam Nghệ An được chia làm 3 khu vực Bắc, Trung, Nam cùng với hàng ngàn cổ động viên nhiệt thành ở tất cả các tỉnh có người Nghệ làm ăn sinh sống. Diễn đàn trực tuyến của Hội cũng quy tụ hơn 12 ngàn thành viên, thường xuyên tham gia, trao đổi trước và sau mỗi trận đấu về kế hoạch cổ vũ, những điều cần rút kinh nghiệm, những hoạt động xã hội,…
Kết thúc mùa giải, hàng triệu người hâm mộ xứ Nghệ thỏa mãn với giấc mơ vô địch sau 10 năm chờ đợi. Hội cổ động viên Sông Lam Nghệ An cũng đạt danh hiệu Hội cổ động viên xuất sắc nhất năm với 48 điểm bình chọn, Hội cổ động viên Thanh Hóa cũng đạt vị trí thứ 2 với 16 điểm.
Nguyên Khoa