Đây không phải lần đầu cậu bé 15 tuổi sống ở quận Thanh Xuân, Hà Nội hành xử như vậy.
Từ ngày đi học, Tuấn Hưng luôn là một học sinh giỏi top đầu của trường. Nhưng cậu bé lại khiến bố mẹ lo lắng vì liên tục tự phủ nhận mọi thành tích của mình, cho rằng mọi danh hiệu đạt được chỉ là may mắn. Hưng cũng giấu nhẹm bài kiểm tra 8 điểm vì sợ bạn bè đánh giá là "học dốt". Kỳ thi vào lớp 10 vừa qua, vì không làm được hai ý nhỏ trong một câu hỏi, Hưng tiếp tục dằn vặt bản thân suốt thời gian dài.
"Ngày nào con cũng nói về điểm số, về việc không thể đỗ vào ngôi trường mong muốn. Rồi con sợ bị người khác chê cười, nghĩ mình bất tài trong khi kết quả học tập trước đó vẫn rất tốt", chị Thanh Tú, mẹ Tuấn Hưng nói.
Tuấn Hưng được cho là mắc hội chứng "Kẻ mạo danh" (Imposter syndrome), người luôn nghi ngờ thành công mình đạt được, phân vân liệu có xứng đáng với điều đó không và sợ người khác phát hiện mình không giỏi như vậy.
Hội chứng này được hai nhà tâm lý học Pauline Rose Clance và Suzanne Imes xác định lần đầu vào năm 1978. Ngày nay, hội chứng kẻ mạo danh dùng để chỉ bất cứ ai "không thể chấp nhận thành công của bản thân", Audrey Ervin, nhà tâm lý học của ĐH Delaware Valley (Mỹ) nói.
Một nghiên cứu tháng 4/2020 của Thư viện y khoa Mỹ cho thấy hơn 80% con người từng mắc hội chứng "Kẻ mạo danh" ít nhất một lần trong giai đoạn nào đó của cuộc đời. Thậm chí có người đã thành công nhưng vẫn cho rằng bản thân bất tài, thành quả đạt được trước đó đều là may mắn. Lúc này, họ cảm thấy thiếu tự tin và luôn lo lắng người khác đánh giá về mình.
Theo chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội, hội chứng này thường xảy ra ở người trẻ, ít kinh nghiệm sống. "Có người thấy thiếu kiến thức hoặc kinh nghiệm cho một công việc hoặc một vị trí, xấu hổ khi làm sai và sợ người khác phát hiện điểm yếu đó, lâu dần sẽ nghi ngờ năng lực bản thân'', bà Hương nói.
Hoàng Hoa, 30 tuổi, ở quận Bình Thạnh, TP HCM luôn cho rằng vị trí phó phòng của mình chỉ là may mắn đạt được. Được thăng chức, Hoa nghĩ do công ty thiếu người. Khi đỗ thạc sĩ, lại nghĩ do học trúng tủ. Cô gái này luôn sợ đồng nghiệp phát hiện ra mình không đủ giỏi, cũng như sợ bị đánh giá không xứng đáng với những gì đang có.
Bà Hương nhận định, có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này. Người mắc hội chứng "Kẻ mạo danh" thường sống trong môi trường coi trọng thành tích khi cha mẹ luôn so sánh, khen ngợi hay chỉ trích quá mức. "Khi người lớn luôn dùng các tiêu chuẩn như đỗ vào trường nào, điểm số ra sao để đánh giá con cái cũng như tâm lý thích so sánh với con nhà người ta hay áp lực đồng trang lứa... sẽ khiến hội chứng này dễ xuất hiện", chuyên gia nhận định.
Từ nguyên nhân trên, nhiều người sẽ trở nên cầu toàn và dần mất tự tin nếu hoàn thành việc nào đó chưa tốt. Họ mải miết suy đoán ai sẽ đạt thành tích cao hơn mình và cảm thấy bất lực khi nghĩ không thể vươn tới thành tích đó, khiến sự tự ti càng trở nên mạnh mẽ.
Một nguyên nhân khác là người mắc hội chứng này thường thiếu kiến thức và trải nghiệm thực tế bởi được gia đình bao bọc quá mức. Mỗi khi ra ngoài, họ không đủ tự tin đối mặt với thử thách và cho rằng không thể đạt mục tiêu bởi có nhiều người giỏi hơn mình, giống như "núi cao sẽ có núi cao hơn".
Maggie Germano, chuyên gia tài chính tại Washington, Mỹ từng nhận định, hội chứng "Kẻ mạo danh" phổ biến nhất ở thế hệ Millennial (sinh từ năm 1981 đến năm 1996). Nguồn gốc cho những bất an là từ "vết sẹo" của cuộc suy thoái kinh tế năm 2008. Thời điểm đó, những người này vẫn đang là học sinh hoặc vừa ra trường, bắt đầu đi làm. Họ có ít kinh nghiệm sống hoặc ít phương án thoái lui nếu thất bại trong sự nghiệp.
Tại Việt Nam, thế hệ Millennial được sinh ra và lớn lên trong bối cảnh kinh tế được cải thiện, công nghệ bắt đầu phát triển. Khác thế hệ trước đó chỉ lo "ăn sao cho đủ no" thì thế hệ millennials lại chú tâm hơn đến vấn đề tâm lý khi đặt ra hàng loạt câu hỏi: "Tôi là ai?" hay "Tôi là người như thế nào?"
Chuyên gia Vũ Thu Hương cho rằng, người mắc hội chứng này có xu hướng muốn trở thành người xuất sắc nhất trong lĩnh vực của mình, từ học tập cho tới công việc. Khi thành công họ rất mãn nguyện bởi được ca tụng, nhưng khi gặp áp lực hoặc kết quả không như mong muốn, nỗi sợ hãi về thất bại sẽ xuất hiện. Họ sợ không thể vượt qua thành công đã đạt được và sợ bị người khác phủ nhận khả năng.
"Vì bị áp lực đè nặng nên người mắc hội chứng này không thể phát huy được hết nội lực, trường hợp xấu có thể dẫn tới trầm cảm", bà Hương chia sẻ.
Để chứng minh bản thân, người mắc chứng "Kẻ mạo danh" thường làm việc quên giờ giấc mà không chăm lo sức khỏe, bỏ bẵng các mối quan hệ xã hội hoặc tìm cách đổ lỗi cho vấn đề của mình.
Như Hoàng Hoa, vì luôn chìm đắm trong trạng thái bồn chồn bất an khiến cô phải lao đầu vào công việc để chứng minh không phải là kẻ ăn may. Chính suy nghĩ này khiến Hoa luôn cố gắng làm việc gấp nhiều lần người khác dẫn tới kiệt sức, căng thẳng kéo dài.
Để giải quyết vấn đề trên theo bà Hương, nếu đủ tuổi trưởng thành như Hoàng Hoa, nên tạm thời buông bỏ những thứ đang có, dành thời gian đến nhiều vùng đất mới để trải nghiệm nhằm tìm kiếm điều tích cực. Không nhất thiết phải chi một số tiền lớn cho những chuyến phiêu lưu mà có thể là hoạt động tình nguyện, đi phượt hoặc đơn giản là trò chuyện với những người yếu thế. Từ đó, họ sẽ thay đổi được thang đo đánh giá bản thân bởi những thứ đã trải nghiệm cũng như biết cách đón nhận thành công thay vì phủ nhận nó.
Còn nếu chưa đủ tuổi trưởng thành, chuyên gia khuyên bố mẹ nên đồng hành cùng con nhằm thay đổi lịch sinh hoạt thông thường, tăng cường vui chơi thư giãn, tránh vùi đầu vào học tập gây mất cân bằng tâm lý. Cũng không nên thường xuyên nhắc tới điểm số, áp lực trường lớp hay so sánh con mình với con người khác.
"Cách tốt nhất là dạy trẻ tự so sánh với chính bản thân chúng, xem hôm nay đã tiến bộ gì so với hôm qua hơn là sống trong dằn vặt vì thua kém hay sợ người khác thấy thành công của mình chỉ là ăn may", bà Hương chia sẻ.
Hải Hiền