Câu chuyện về những vụ tai nạn hàng không thảm khốc là chủ đề đang được chia sẻ rầm rộ trên các diễn đàn mạng. "Nếu trước đây người ta luôn nghĩ rằng máy bay là phương tiện đi lại tối tân nhất, an toàn nhất thì bây giờ nó trở thành nỗi ám ảnh cho không ít người thường xuyên sử dụng phương tiện này", nhận xét của nick name Mạnh Nguyễn trên trang mạng xã hội.
Là người thường xuyên đi công tác nước ngoài, chị Thùy Trang, giám đốc một công ty xuất nhập khẩu tại quận Bình Thạnh, TP HCM, cho biết chị từng gặp sự cố máy bay nên giờ nghe thông tin tai nạn hàng không cứ thấy "rùng mình" mỗi khi nghĩ đến việc phải đi lại bằng phương tiện này.
"Đã lên máy bay rồi chỉ biết phó mạng cho phi công", nữ giám đốc 43 tuổi nói. Chị Trang áp dụng phương án hạn chế rủi ro là không đi những chiếc máy bay mang tên giống chiếc từng gặp nạn. Ngoài ra, mỗi khi gia đình (vợ chồng và 2 đứa con) đi du lịch nước ngoài, chị luôn mua vé cho 4 chuyến bay khác nhau "để lỡ một chiếc gặp nạn thì cả nhà không bị chết chùm".
Chia sẻ với VnExpress.net về vấn đề này, Phó giáo sư - Tiến sĩ Y học Nguyễn Văn Thọ, Viện trưởng Viện Tâm lý thực hành nhìn nhận, nỗi ám ảnh sợ máy bay đang trở nên phổ biến, nhất là trong bối cảnh xảy ra nhiều vụ tai nạn hàng không, khủng bố trên máy bay như hiện nay.
"Về cơ bản, cảm giác sợ đi máy bay là một nỗi sợ hoàn toàn bình thường, mang tính sinh tồn, cũng như có người sợ độ cao, bóng tối, bệnh tật... Ta hoàn toàn có thể tự khắc phục hoặc lựa chọn né tránh nguy cơ xảy ra. Tuy nhiên trong một số trường hợp nghiêm trọng, hội chứng sợ đi máy bay sẽ trở thành một căn bệnh", ông Thọ nói.
Vị phó giáo sư giải thích, nếu một nỗi sợ hãi hay lo lắng có căn nguyên rõ rệt, chẳng hạn sĩ tử trước khi thi cảm thấy lo lắng, mất ngủ... thì điều đó hoàn toàn bình thường. Nó chỉ trở thành "bệnh" khi ta không xác định được nguyên nhân cụ thể hoặc nỗi lo trở nên thái quá không tương xứng với điều kiện xảy ra, thậm chí sự việc chỉ xảy ra một lần nhưng nỗi sợ hãi kéo dài dai dẳng. Đó gọi là "Hội chứng rối loạn lo âu", với nhiều dạng:
- Rối loạn hoảng sợ: Cảm giác hoảng sợ kèm theo cơn hoảng loạn, tim đập nhanh, cảm giác khó chịu, chỉ diễn ra trong chốc lát.
- Rối loạn lo âu lan tỏa: Lúc nào cũng căng thẳng, bất an bởi mối lo về tai họa sẽ ập đến cho bản thân hoặc gia đình. Trạng thái này kéo dài ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc, học tập...
- Rối loạn ám ảnh cưỡng bức: Suốt ngày quay cuồng với ý nghĩa tiêu cực được phóng đại lên. Chẳng hạn, luôn sợ bẩn nên phải rửa tay liên tục... Tình trạng này kéo dài ảnh hưởng đến mọi mặt, khiến người đó không thích nghi được với cuộc sống và gặp khó khăn trong công việc.
Các triệu chứng trên thường hiện diện chồng lấn nhau, tùy biểu hiện nào nhiều và nổi trội hơn thì cho ra các hướng chẩn đoán cụ thể. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, sự lo âu đi kèm với sợ hãi quá mức, không hợp lý về một vật hay một tình huống cụ thể sẽ trở thành "hội chứng rối loạn ám ảnh sợ hãi".
Có nhiều loại rối loạn ám ảnh sợ hãi:
- Ám ảnh sợ đặc hiệu (sợ cái gì có tên gọi cụ thể): Chẳng hạn sợ máy bay, độ cao, vật sắc nhọn, cầu thang... Trong khi bản thân người bệnh biết là vô lý nhưng không thể xua đi nỗi sợ này.
- Ám ảnh sợ xã hội: Người bệnh sợ hãi phải đứng trước một đám đông, sợ mình bị soi mói, sợ nói sai điều gì đó sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng.
- Ám ảnh sợ khoảng trống: Luôn cảm thấy ngột ngạt, sợ bị mắc kẹt, không thể thoát ra khỏi một không gian nào đó. Họ luôn tưởng tượng rằng "Nếu mình bị kẹt ở đây thì sao? Nếu mình bị đứng tim thì làm gì có ai đưa mình ra khỏi đây?". Vì thế người bệnh luôn sợ ở một mình trong nhà, vườn, thậm chí trong siêu thị đông người...
Theo ông Thọ, nguyên nhân gây chứng rối loạn ám ảnh sợ hãi có thể bắt nguồn từ một nỗi ám ảnh nào đó trước đây. Chẳng hạn khi một người từng bị tai nạn máy bay hoặc nghe tin về tai nạn nên cảm thấy sợ hãi. Đây là cơ chế phản xạ có điều kiện về mặt tâm lý. Bên cạnh đó, một số trường hợp còn do yếu tố bệnh lý, mê tín... Lúc này người bệnh cần phải được khám, chẩn đoán và điều trị chuyên khoa sớm để tránh những biến chứng xấu hơn về tâm thần.
"Nhìn chung các triệu chứng rối loạn lo âu, ám ảnh, ám ảnh cưỡng chế có thể được chữa khỏi sau khi sử dụng thuốc an thần hoặc điều trị bằng các liệu pháp tâm lý, hóa dược. Trừ khi ám ảnh đó có nguyên nhân từ bệnh tâm thần phân liệt, hiện nay y học chưa tìm ra nguyên nhân nên không chữa dứt điểm được", Viện trưởng Nguyễn Văn Thọ nhận định.
Ông giải thích thêm, bệnh tâm thần phân liệt làm chia cắt các hoạt động bình thường của con người, khiến hành vi ứng xử của họ không thể hòa hợp được với môi trường, xã hội. Người mắc bệnh này thường rơi vào trạng thái hoang tưởng, ảo giác nên có những hành vi kích động lặp đi lặp lại. Mọi phương pháp chữa trị chỉ dừng lại ở việc can thiệp làm giảm các hành vi kích động của bệnh nhân chứ chưa thể chữa khỏi.
Thi Trân