Tuyên bố đưa ra hôm 11/6 sau khi EMA xem xét các trường hợp viêm cơ tim. Hội chứng rò rỉ mao mạch là rối loạn hiếm gặp, đặc trưng bởi sự rò rỉ của huyết tương từ các mạch máu và khoang, cơ bắp lân cận. Người mắc hội chứng thường bị sưng tấy, giảm huyết áp.
Tình trạng chủ yếu xảy ra ở phụ nữ, trong đó một người tử vong sau tiêm vaccine AstraZeneca. Ba người khác có tiền sử mắc bệnh. EMA cho biết cần bổ sung thông tin về tác dụng phụ trên nhãn các lọ vaccine. Cơ quan cũng khuyến nghị người bị rò rỉ mao mạch không nên tiêm vaccine Covid-19 AstraZeneca.
Các chuyên gia lần đầu xem xét tình trạng này vào tháng 4. Thời điểm đó, AstraZeneca đang vướng tranh cãi liên quan đến hội chứng đông máu, giảm tiểu cầu sau tiêm. Tháng trước, EMA khuyến cáo người có tiền sử đông máu không nên tiêm vaccine AstraZeneca.
Hiện hơn 78 triệu liều vaccine AstraZeneca đã được triển khai ở Liên minh châu Âu, Liechtenstein, Iceland, Na Uy và Anh. Cơ quan Quản lý Dược phẩm Anh (MHRA) đã nhận được các báo cáo về tình trạng rò rỉ mao mạch, song không cho rằng vaccine là nguyên nhân.
Vaccine AstraZeneca được điều chế bằng công nghệ vector, sử dụng virus cảm cúm vô hại (adenovirus) từ tinh tinh, nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Virus chứa các gene từ nCoV. Khi tiêm vào tế bào người, chúng tạo ra protein giúp hệ miễn dịch nhận biết và phản ứng với mầm bệnh sau này.
Đến nay các loại vaccine Covid-19 được phát triển dựa vào công nghệ vector bao gồm Sputnik-V của Viện Gamaleya (Nga), Adenovirus 26 của Johnson & Johnson (Mỹ) và Ad5 của CanSino (Trung Quốc).
EMA đang tiếp tục xem xét các ca viêm tim và viêm màng ngoài tim sau tiêm vaccine Pfizer và Moderna, là hai loại vaccine công nghệ mRNA. Giới chức y tế Mỹ hôm 10/6 cho biết số ca viêm tim cao hơn dự kiến, song chưa kết luận vaccine mRNA của hai hãng là nguyên do.
Hồi đầu tháng, Bộ Y tế Israel cho biết nhiều thanh thiếu niên đã phát triển tình trạng rò rỉ mao mạch sau tiêm. BioNTech, đối tác sản xuất của Pfizer, cho biết sẽ phối hợp với các cơ quan quản lý để xem xét lại sản phẩm kỹ lưỡng, thường xuyên.
Thục Linh (Theo Reuters)