Ngày 2/9, ông Hoàng Xuân Minh, Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn cho biết, lễ hội chọi trâu truyền thống năm 2018 được tổ chức vào ngày 18/9 (tức 9/8 Âm lịch). Ban tổ chức không bán vé, tuy nhiên do sân vận động của quận - nơi diễn ra chọi trâu chỉ có sức chứa 12.000 người nên để tránh chen lấn, xô đẩy, Ban tổ chức thông báo sẽ đóng cổng khi sân đã đạt sức chứa.
Cũng theo ông Minh, lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn 2018 có 16 trâu chọi thuộc 7 phường đã được tuyển chọn qua vòng loại. Thể thức thi đấu vẫn như mọi năm: bốc thăm và đấu loại trực tiếp.
Trước đó, vào mùa lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2017, việc trâu chọi của phường Vạn Hương húc chết chủ ngay trên sới làm dấy lên nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng lễ hội mang tính bạo lực nên cấm, hoặc nếu để tồn tại thì phải rà soát lại các khâu tổ chức...
Hải Phòng sau đó hai lần đề xuất bán vé xem lễ hội nhằm đổi mới công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Tuy nhiên, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đã bác bỏ bởi đề xuất này trái với Nghị định 28 và Thông tư 15 về việc không được bán vé thu tiền ở lễ hội truyền thống.
Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, còn gọi là đấu ngưu, là một tập tục cổ, có từ xa xưa, một lễ hội truyền thống của người dân vạn chài tại vùng biển Đồ Sơn, Hải Phòng được tổ chức vào ngày 9/8 Âm lịch hàng năm.
Năm 1990 lễ hội được phục hồi trở lại sau nhiều năm thăng trầm của lịch sử, của chiến tranh. 13 năm sau lễ hội được nhà nước công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia tại Quyết định số 5079/QĐ cấp quốc gia.
Đây là một lễ hội với lễ nghi trang trọng, rước kiệu thần, có lọng che, phường bát âm, thi chọi trâu để tìm ta “ông trâu” vô địch tế thần hoàng làng và thần biển.
Trong văn hóa cộng đồng người dân Hải Phòng, còn lưu truyền câu ca cổ: “Dù ai buôn đâu bán đâu / Mùng chín tháng tám chọi Trâu thì về / Dù ai buôn bán trăm nghề / Mùng chín tháng tám nhớ về chọi Trâu”