![]() |
Khách đến hội chợ ly dị. Ảnh: Ibn.com. |
Hội chợ diễn ra tại một khách sạn hạng sang ở Vienna. Khách tới thăm sẽ có cơ hội nói chuyện với các luật sư và các chuyên gia tư vấn hàng đầu về ly hôn. Ngoài ra, họ cũng có thể tiếp xúc với các thám tử tư để xem bạn đời của mình có chung thuỷ hay không; tiếp xúc với công ty bất động sản để hỏi thủ tục bán nhà nhanh nhất sau ly dị, với công ty hẹn hò để gặp gỡ những người độc thân mới, chuẩn bị cho cuộc sống mới và gặp các công ty du lịch để đi nghỉ. Tất cả chỉ để phục vụ cho nhu cầu ly hôn rất lớn trong xã hội Áo.
Bà Silvia, 49 tuổi, đã ly dị 6 năm trước và đang trong một mối quan hệ mới, cho biết: "Tôi chỉ muốn có đủ thông tin cần thiết để chuẩn bị nếu tình huống xấu nhất có thể xảy ra lần nữa" - bà nói - "Bình thường bạn sẽ không nghĩ tới những chuyện thế này. Các bạn yêu nhau và muốn sống cùng nhau. Nhưng tôi đã bị hỏng một lần".
Khoảng một nửa số cuộc hôn nhân ở Áo tan vỡ. Ở thủ đô Vienna, tỷ lệ ly hôn còn cao hơn, tới 66% chia tay sau một thời gian chung sống.
"Nhiều máy ảnh quá", anh Berhard Spernern, một trong số ít những người "dũng cảm" tới tham quan triển lãm đánh giá về nguyên nhân ít khách. "Tôi nghĩ đó cũng là một vấn đề. Rất nhiều người không tới triển lãm vì không muốn bị người quen bắt gặp hoặc bị ghi hình".
Nhiều người cho rằng hội chợ ly dị đầu tiên chưa nhấn mạnh nhiều vào xúc cảm của con người, mà chỉ quan tâm tới các khía cạnh tài chính và luật pháp nhằm hạn chế thiệt hại nếu vụ ly dị xảy ra.
"Hội chợ thiếu khía cạnh nhân văn" - một phụ nữ có tên Ingrid cho biết. 'Thật tuyệt nếu có ai đó ở dây sẵn lòng nói chuyện, tư vấn với những người chưa sẵn sàng ly dị. Rất nhiều người ở đây vẫn có thể cứu vãn được cuộc hôn nhân nếu họ cố gắng".
Mặc dù không thành công như mong đợi ở Vienna, nhà tổ chức Anton Barz vẫn mong muốn sẽ tổ chức các hội chợ tương tự ở Đức, Thụy Sĩ, Anh, Australia và cả Mỹ.
(Theo Gia đình và Xã hội, Reuters, BBC)