Dịch giả, nhà nghiên cứu, nhà văn Nhật Chiêu có buổi trò chuyện về thơ Haiku - chủ đề thiền và tình yêu thiên nhiên - tại đình Cẩm Phô, Hội An, Quảng Nam sáng 18/8. Dịp này, tủ sách mang tên ông được ra mắt.
Chị Lê Thu Hiền - giám đốc một công ty chuyên về vải Nhật Bản ở Việt Nam - chia sẻ chị từng là một trong số hàng nghìn độc giả lần đầu tiếp cận văn hóa Nhật qua những quyển sách của thầy Nhật Chiêu. Sau này, chị trở thành học trò của thầy. "Thầy là tấm gương của sự hiếu học, tự học, mê say sách. Tôi rất mừng khi được thầy cho phép sử dụng tên thầy đặt cho tủ sách. Tôi hy vọng tình yêu và cảm hứng sách từ thầy Nhật Chiêu sẽ lan tỏa hơn đến người dân, khách du lịch ở Hội An", chị chia sẻ.
Tủ sách ban đầu có khoảng 50 đầu sách tiếng Anh, Việt, Nhật chủ đề văn hóa, văn học của hai nước, được đặt tại đình Cẩm Phô, một di tích văn hóa trên đường Nguyễn Thị Minh Khai - nơi được xem là phố Nhật Bản. Đến với tủ này, độc giả có thể tìm được ấn phẩm của nhiều tác giả như Murakami, Yoshimoto Banana, Kawabata, Nguyên Ngọc, Nhật Chiêu, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư... Hoạt động nằm trong khuôn khổ lễ hội Nhật Bản - Hội An lần thứ 16.
Nhật Chiêu sinh năm 1951, có hơn 40 năm miệt mài nghiên cứu, giảng dạy và viết lách. Ông mê đọc từ thời trẻ, nhất là các sách chuyên sâu về văn hóa, văn học Nhật Bản, Anh, Mỹ, Đức... Từ sau năm 1975, Nhật Chiêu gắn bó việc dạy văn ở trường Nguyễn Thị Minh Khai (TP HCM), trước khi là giảng viên của Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn thành phố. Ông còn được nhiều độc giả yêu mến trong vai trò một dịch giả, nhà nghiên cứu văn học, văn hóa Phật giáo... Ông dành thời gian xây dựng giáo trình cho sinh viên các môn văn học Nhật, Trung Cận Đông, Phương Đông... với nhiều đầu sách được tái bản nhiều lần như: Ba nghìn thế giới thơm (biên khảo), Những kiệt tác văn chương thế giới (viết chung), Basho và thơ Haiku (biên khảo), Nhật Bản trong chiếc gương soi (biên khảo), Đại cương văn hoá phương Đông (viết chung)...
Từ năm 2006, Nhật Chiêu còn được xem là một hiện tượng văn xuôi với các truyện ngắn Mưa mặt nạ, Người ăn gió và quả chuông bay đi... Năm 2011, khi về hưu, ông có nhiều thời gian hơn để tập trung sáng tác, ra mắt hàng chục bài thơ, đầu sách như: Lời tiên tri của giọt sương (tập truyện song ngữ Việt - Anh), Tôi là một kẻ khác (thơ tượng quẻ), Người về với như (thơ ca tương chiếu)...
Mai Nhật