Sau khi đọc bài viết Học dốt mới thi vào sư phạm của tác giả Hùng Lê, tôi không đồng ý với quan điểm đó. Có thể tác giả đã suy nghĩ và viết theo cảm tính cá nhân có hướng tiêu cực.
Tôi cũng là một người giáo viên, thời học sinh của tôi thang điểm rất hiếm khi đạt trên trung bình. Tôi học không giỏi nhưng may mắn vì không bị lưu ban. Tôi cũng chẳng có ước mơ gì lớn cho tương lai bởi tôi biết kết quả học tập của bản thân không thể cho tôi một công việc tốt, một tương lai xán lạn như người ta.
Tôi chỉ dám mong ước có một công việc ổn định, đủ để trang trải cho cuộc sống của tôi. Thế nhưng tất cả mọi việc đều không như tôi nghĩ, vào một ngày, tôi nghe giới thiệu và đã nộp hồ sơ thi tuyển vào lớp học tại chức. Tôi vừa đi học lớp tại chức mầm non và đi làm ở một trường học gần nhà.
Tôi đã bước vào ngành giáo dục một cách khó khăn. Khó khăn không phải như bạn đang nghĩ lúc này, mà là vì bài tôi học và bài tôi dạy hoàn toàn khác nhau. Mỗi khi nhận đề tài soạn giảng thì chúng tôi đều phải đặt câu hỏi ngược lại với giáo viên: “Chúng em soạn giáo án dựa trên thực tế chuyên môn ở trường đang công tác hay theo bài học?”.
Sau khi ra trường, kiến thức trên lớp tôi áp dụng không được bao nhiêu. Kính thưa quý vị, không phải vì tôi không đủ trình độ để tiếp thu, mà bởi vì những gì tôi học ít có cơ hội áp dụng với thực tế chuyên môn tôi đang dạy.
Thời gian cứ thế trôi qua, tôi công tác và hoàn thành tốt nhiệm vụ của một người giáo viên. Kết quả là bước vào ngưỡng cửa tuổi 30, tôi đã đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua bằng chính năng lực của mình, được đồng nghiệp, phụ huynh tin yêu, học sinh quý mến. Tôi sẵn sàng đánh cược với giáo viên chính quy trong bất cứ nhiệm vụ nào của một người thầy.
"Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy” cho dù người thầy đó có đủ tư cách hay không. |
Ngày xưa, dạy học được xem là nghề cao quý, người thầy được lấy làm chủ đạo, được tôn trọng tuyệt đối. “Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy” cho dù người thầy đó có đủ tư cách hay không.
Còn ngày nay, người ta lấy học trò làm trung tâm. Bản thân người giáo viên đã rất khó khăn trong việc chuyển tải nội dung bài học thế nào cho phù hơp với đối tượng học. Ngoài ra, họ còn phải chịu áp lực không chỉ từ Ban Giám hiệu mà còn với cả phụ huynh, đặc biệt hơn nữa là dư luận xã hội.
Vậy xin hỏi, nếu là quý vị, một người học giỏi với thang điểm khá giỏi trong tay, quý vị có chịu luồn mình thi vào sư phạm không? Chưa kể về vấn đề thu nhập, với đồng lương ít ỏi trên tay, bạn có nhận chúng về trọn vẹn không?
Xin thưa, chưa bao giờ tôi được cầm trọn vẹn đồng lương như tôi đã ký. Không phải vì thất thoát hay vì tôi trả nợ, đấy là do tôi phải trích ra để dóng các loại quỹ như quỹ tương trợ, quỹ trẻ em nghèo học giỏi, ủng hộ bão lụt, ủng hộ chất độc màu da cam, quỹ đoàn, quỹ công đoàn, đảng phí, bảo hiểm… Tóm lại là "kính thưa các loại quỹ".
Có tháng tôi phải trích ra từ ba đến bốn loại quỹ. Thử hỏi tôi còn bao nhiêu để lo cho cuộc sống gia đình? Đấy là chưa kể đến dư luận xã hội.
Ngày nay, công nghệ thông tin ngày một phát triển, hễ sơ hở thì sẽ thành cơn sốt cho xã hội lên án. Cái tốt thì nằm trong phạm vi hẹp, nhưng cái xấu thì chỉ sau một giây có thể đã thành cơn bão sóng dư luận lan đến tận năm châu. Vậy quý vị được quyền lựa chọn ngành theo học, sao quý vị không theo một ngành mà quý vị thích, kinh tế tốt hơn, áp lực ít hơn…?
Trên đây là một số chia sẻ mà tôi muốn gửi đến tác giả Hùng Lê. Kính chúc quý vị mạnh khỏe và công tác tốt.
>> Xem thêm: Lương giáo viên có thật sự thấp? / Trường thiếu 27.000 giáo viên, sinh viên sư phạm vẫn thất nghiệp