Em tôi nghỉ học đã ba tuần vì dịch cúm. Lúc đầu mẹ tôi bảo: "Cứ cho bọn trẻ con nghỉ học thêm một tháng nữa. Lo gì hổng kiến thức, cô giáo ngày nào cũng gửi bài tập, mẹ cũng đã mua vài gói học online trên mạng cho em". Tuần đầu hậu nghỉ Tết, em tôi nhảy cẫng lên vì không phải đi học. Tuần thứ hai, cô bé vẫn hào hứng với "học online" nhờ bài tập cô giáo gửi qua cửa sổ chat của mẹ. Cứ thế, 9 giờ sáng, cô học sinh nhận được khối lượng bài tập đủ làm cho cả ngày.
Vấn đề là việc làm "một núi bài tập" theo mô tả của em sau ba hôm đầu mau chóng trở thành nỗi sợ. "Cô cho bọn em làm bài tập ôn lại kiến thức cũ", không phải là học online. Không video bài giảng thu sẵn hay trực tiếp, không hệ thống bài tập, không đánh giá kết quả, và nhất là, không kích thích được niềm ham học của học sinh, một yếu tố thế mạnh của mô hình dạy học online. Mẹ tôi thở dài: "Giá mà cô gửi cho các con vài video tập thể dục có khi còn có ích". Sang tuần thứ ba, cô bé chỉ muốn đi học trở lại.
Chị Huệ, chị họ tôi, có hai con đang học lớp ba một trường tư thì lại quả quyết rằng học hành là việc cả đời nhưng tính mạng thì không đùa được. Hai đứa con chị Huệ cũng nghỉ từ Tết. Ra Tết, vợ chồng chị tất bật đi làm vì kế hoạch công tác không thể dời lại. Hai bác tôi tay nải từ quê lên phố trông con cho chị. Hàng ngày đốc thúc hai đứa cháu vào bàn mở website nhà trường để bắt đầu "học online". Ông bà chẳng biết gì về máy móc công nghệ nên cũng không giúp gì cho cháu.
Lý lẽ của chị Huệ hay mẹ tôi có lẽ cũng giống hàng triệu phụ huynh khác. Phàm những gì liên quan tới an toàn tính mạng, tôi nghĩ mình không có lý do để phản bác. Nhưng cũng chị Huệ, mẹ tôi, và có lẽ cũng là một phản chiếu hình ảnh phụ huynh quen thuộc, đặt rất nhiều kỳ vọng vào nhà trường, nơi giữ trách nhiệm duy trì ý thức học tập cho con cái. Nhìn chung, chỉ cần có việc cho trẻ làm thì bố mẹ thở phào nhẹ nhõm.
Suốt những ngày qua, tôi chứng kiến cuộc sống của những gia đình xung quanh mình xáo trộn. Những cuộc "di cư trẻ con" từ phố về quê gửi hoặc "di cư ông bà" từ quê lên phố để trông cháu hộ con cái, hoặc bố mẹ thay nhau nghỉ làm, trẻ con không được phép ra đường. Tôi nhìn vào sự muôn vẻ của mỗi nhà trong những kịch bản học hành thời cúm dịch, ngậm ngùi hiểu ra, chúng ta chưa có một hạ tầng công nghệ giúp thu hẹp những khoảng cách vô hình trong giáo dục.
Giải pháp đáp ứng nhu cầu của các nhà trường, bố mẹ và học sinh cao nhất chính là dạy học online. Dạy và học online là một kịch bản giáo dục tối ưu. Ở đó, học sinh, sinh viên ở nhà, kết nối mạng, tham dự lớp học từ xa với thầy cô, nghe giảng, thảo luận với các bạn, hoàn thành bài tập, gửi bài và đợi kết quả. Nhưng đó là kịch bản dạy học ở các nước phát triển.
Ở Việt Nam, đứng từ phía nhà trường và giáo viên, việc chuẩn bị các kịch bản dạy học online chẳng khác gì một cuộc chạy đua gấp rút và quá sức. Bạn tôi, giáo viên một trường tư có tiếng ở Hà Nội chia sẻ với tôi sau một buổi tập huấn về dạy học online, không ít đồng nghiệp lên tiếng hỏi: "Có phải dạy học online là trend (xu hướng) nên chúng ta phải theo?". Tôi hỏi cô nghĩ gì. Bạn tôi, lứa giữa 9X, người tưởng đã quen với việc sử dụng các thiết bị công nghệ chỉ thở dài mà nói: "Thì biết là nó có ích, nhưng như thế lại cả núi công việc không tên đổ xuống".
Tất nhiên, tôi hiểu và thông cảm với suy nghĩ của cô. Thiết kế một bài giảng vốn đã vất vả, nay lại còn phải thiết kế tích hợp các đơn vị kiến thức khác phù hợp với các yêu cầu của dạy học online mà thời gian đào tạo ngang với lối đánh du kích. Không những vậy, giữa bối cảnh dạy học online đúng là mốt, trường nào có kịch bản tốt hẳn sẽ ghi điểm với phụ huynh. Mọi cuộc chạy đua không tránh được sự phô bày hình thức.
Một mô hình dạy học online hiệu quả không chỉ là sự thay đổi không gian dạy học từ "trường" về "nhà" nơi cô trò cùng tương tác qua màn hình điện thoại hay máy tính mà còn đòi hỏi một nền tảng công nghệ trơn tru, các phần mềm quản lý tiến độ học tập, khung kiểm tra đánh giá kết quả học tập. Và điều quan trọng nhất, cơ sở tài nguyên học tập được xây dựng một cách đa dạng và có chiều sâu, phù hợp với đặc tính lứa tuổi và thế hệ của học sinh. Công nghệ chỉ là công cụ, nhưng để ứng dụng công nghệ trong một kịch bản dạy học còn đòi hỏi giáo viên phải được đào tạo bài bản để hình thành một tư duy mới trong áp dụng các phương pháp giảng dạy. Và dĩ nhiên, tất cả những yếu tố trên không hình thành nhanh như tốc độ của một công văn nghỉ học.
Trên thế giới, dạy học online đã trở thành một lựa chọn rất quen thuộc và được thừa nhận giá trị từ cách đây hơn ba mươi năm. Ở Việt Nam, cách đây ba năm, khi tốt nghiệp từ trường Đại học Sư phạm hàng đầu cả nước, hành trang về công nghệ trong giáo dục đối với tôi là con số 0.
Không thể phủ nhận rằng, cuộc sống của chúng ta liên đới chặt chẽ với công nghệ, nơi thay vì tranh luận hay hoài nghi về giá trị của nó, tôi nghĩ rằng giáo viên cần được chuẩn bị tâm thế thích nghi trong một hệ sinh thái công nghệ, nơi tương lai không xa, dạy học online sẽ trở thành một kịch bản thay thế các phương pháp giáo dục truyền thống.
Chỉ còn một tuần nữa, học sinh cả nước sẽ trở lại trường học sau kỳ nghỉ hơn một tháng, sẽ tiếp tục những tranh cãi bất tận về việc nghỉ và học ra sao. Giữa một chiến trận quan điểm về chuyện "đi học" hay "nghỉ học" và nghỉ bao lâu thì đủ, tôi nhận ra điều lớn nhất lúc này chính là cảm giác bất an về khả năng ứng phó của cả hệ thống.
Trường học là một mắt xích vận hành quan trọng trong xã hội. Các quyết định đều có thể khiến đời sống từng gia đình, nhà trường và xã hội rối tung. Khi không có một kịch bản dạy học và nghỉ học nhất quán cho xã hội, phụ huynh ai nấy đều phải sơ-cua những kịch bản của riêng gia đình mình.
Dịch bệnh là cơ hội để chúng ta nhìn nhận nghiêm túc và chuẩn bị những kịch bản cho mọi tình huống có thể diễn ra trong giáo dục. Không chỉ mỗi cá nhân cần ý thức cải thiện sức khoẻ mà một hệ thống cũng cần nâng cao đề kháng để đối diện với những biến chuyển không ngừng của một thời đại ngày một bấp bênh.
Đặng Hương Giang