Nhìn vào kiến trúc ngôi chùa, ta sẽ thấy trên đỉnh có một cái trục nhô cao hơn hẳn với những chi tiết như cái chén úp xung quanh. Chúng không phải tự nhiên sinh ra. Đấy là sản phẩm trí tuệ của tổ tiên nước Nhật nhằm đối phó với động đất.
Người Nhật đã tạo nên một thanh trụ gỗ xuyên từ dưới móng lên đến mái. Khi động đất xảy ra, các cấu trúc của ngôi chùa sẽ rung lắc, khi thì bên trái, khi thì bên phải. Các tầng ngôi chùa nghiêng rung, lập tức bị thanh trục đó giữ lại. Bốn tầng dưới không gắn vào trục, chỉ có tầng trên gắn vào trục, tất cả tạo nên sự cân bằng lực.
Còn những cái chén có tác dụng gì? Chúng giống như những lò xo giảm chấn (cái nhún) mà ta thấy ở cơ khí hiện đại. Các tầng gỗ của chùa vì vậy cũng không dùng đinh để gắn, tất cả đều nương theo các cơn chấn.
Không chỉ riêng Chureito, những ngôi chùa trên khắp nước Nhật đã tồn tại hàng nghìn năm bằng một kiến trúc chống động đất rất đơn giản lại độc đáo như vậy.
Người Nhật hiện đại sau này đã học tập chính bài học của các tiền nhân xây dựng chùa. Để tạo nên một kết cấu chống động đất cho những cao ốc hiện đại, họ cũng bố trí một hệ thống nhún bên dưới tầng hầm các tòa nhà. Khi động đất xảy ra, nhờ các thiết bị như những "bơm piston" lớn này, mà các tòa nhà cũng nhún nhảy cùng động đất. Trong một đất nước luôn có động đất, người Nhật đã biết cách sống chung để giảm thiệt hại.
Vào năm 897, ở Nhật từng có một trận động đất sóng thần lớn có quy mô tương đương với trận sóng thần năm 2011. Năm đó, người xưa đã để một tấm bia trên một ngọn đồi thông, với dòng chữ "Nơi đây là nơi xa nhất mà ngọn sóng thần đã đuổi tới".
Lịch sử là bài học của tiền nhân. Nên không chỉ có lịch sử chính trị, lịch sử chiến tranh, mà còn có cả lịch sử thiên tai.
Việt Nam đã có những gì về lịch sử thiên tai?
Hầu như năm nào, khi các trận lũ tràn vào Việt Nam, tôi đều được nghe một cụm từ rất quen tai: "Trận lũ lịch sử". Cụm từ này không đúng khoa học. Chỉ có trận lũ năm 2017 ở Yên Bái, trận lũ năm 1999 ở Thừa Thiên Huế, những cái cụ thể và đúng thống kê, chứ không có cái gọi là lịch sử trong trận lũ. Nếu đã gọi là lịch sử, thì phải học bài học từ trong cơn lũ đó. Lịch sử là vô dụng nếu không rút được bài học. Nhưng vấn đề thiên tai ở Việt Nam không phải chuyện năm nào bão cũng vào mà ở cái cách chúng ta đối phó cùng một kiểu và gánh chịu thiệt hại cùng một kiểu.
Năm 2006, bão Xangsane ập vào Đà Nẵng. Những căn nhà trong xóm đổ sập trong mưa bão. Chúng tôi nhìn qua cửa kính và thấy mái tole bay như giấy. Năm 2013, tôi quay trở lại quê nhà, lại thêm một cơn bão nữa đổ bộ vào Đà Nẵng. Những mái tole lại tung lên, như những lưỡi hái tử thần sẵn sàng ập xuống "bắt người" trong gió rít.
Năm 2011, Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức cuộc thi thiết kế “Nhà ở nông thôn vùng bão lũ, ngập lụt”. Người giành giải nhất cuộc thi là sinh viên Phạm Hữu Thủy, với một kiến trúc đặt hệ thống phao bằng ba thùng phuy kết lại dưới nền nhà gần bếp. Anh còn bố trí thêm một hệ thống ròng rọc đôi cố định để đưa gia súc và gia cầm lên phía trên gác. Kiến trúc vừa rẻ vừa đơn giản ấy đã giúp anh đoạt giải nhất. Sau này, dự án nhà chống lũ được thực hiện ở Quảng Bình. Có một số ngôi nhà đã làm theo kiểu “nhà phao” như thế, với những bè chuối thay cho thùng phuy, nhờ đó đã giảm thiểu rất nhiều thiệt hại cho người dân.
Dự án Phòng chống và giảm nhẹ thiệt hại về nhà ở do bão gây ra ở miền Trung cũng đã hỗ trợ xây dựng mới 450 ngôi nhà chống bão vào năm 2008. Bước đầu rất thành công khi các ngôi nhà ở Phú Vang, Phong Điền đã an toàn đi qua mưa bão. Trường hợp nhà đã xây xong, thì có một cách khá đơn giản, đấy là mua xi măng, cát, đá về, làm khoảng 8 ụ bê tông có khoen sắt tròn bố trí quanh 4 góc nhà. Khi bão tới, chỉ việc mua dây thừng về buộc vào các khoen sắt đó, rồi chăng bên này qua bên kia, buộc cái nhà lại. Thế là, người dân đã có một cách an toàn để chống bão miền Trung.
Các dự án chống bão, chống lũ của ta có chứ không phải không. Nhưng lại không được đúc kết, hệ thống một cách đầy đủ để trở thành kiến thức của cộng đồng, mà chỉ thuộc về nỗ lực nhỏ lẻ của từng cá nhân hay tổ chức.
Hôm nay, Khánh Hòa, Phú Yên đang gánh chịu những nỗi đau mà người dân Đà Nẵng từng gánh vào năm 2006, 2013. Họ vẫn đang màn trời chiếu đất, vẫn rét run trong mưa gió bạo liệt.
Bão tan, chúng ta sẽ lại gặp những cụm từ như "cơn bão lịch sử", "trận lũ lịch sử" và những báo cáo thiệt hại. Con số thiệt hại của những báo cáo thường sẽ năm sau cao hơn năm trước.
Trong một quốc gia năm nào cũng có từ 10-12 cơn bão, Việt Nam phải thích ứng bằng những bài học được đúc rút, chứ không phải chỉ thống kê thiệt hại, chờ sự hỗ trợ từ chính phủ hoặc chờ đợi người dân tự cứu tế nhau.
Dũng Phan