Khi lên cấp 2, Dúa phải học nội trú do nhà ở bản Nậm Pồ 2, cách trường 7 km. Ngày đầu tiên ở ngôi trường mới, cô bé người dân tộc Mông bị sốc khi phải xếp hàng sau mấy chục bạn để tới lượt đi vệ sinh. "Vì quá buồn nên em đánh liều chạy ra suối", Dúa kể.
Cú sốc ban ngày chưa hết thì đến lượt nỗi sợ buổi tối. Khi đêm xuống, muốn đi vệ sinh, Dúa dùng đèn pin soi và rủ đông bạn đi cùng. Có đêm cô bé gặp sự cố xấu hổ, sáng mai nghỉ học, bỏ về nhà.
Hai ngày liền không thấy học sinh đến lớp, cô Đoàn Thị Hà, giáo viên chủ nhiệm lớp của Dúa phải vào tận bản hỏi thăm và vận động em đi học lại. "Trên đường chở em về trường, mình hỏi nhỏ lý do, con mới bảo là nhà vệ sinh bẩn quá con ngại đến trường", cô Hà kể.
Không chỉ địa hình núi rừng hiểm trở hay khó khăn về vật chất, tình trạng nhà vệ sinh thiếu và không đảm bảo chất lượng, trong các trường học ở huyện Mường Nhé cũng là lý do khiến Giàng Thị Dúa và hàng nghìn học sinh khác không muốn đến trường.
Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Mường Nhé có 1.024 học sinh nhưng chỉ có 20 nhà vệ sinh cho nam và nữ. Mỗi phòng rộng chưa tới nửa mét, xây tạm từ năm 2017, đặt bệ và lợp tôn bao quanh đến nay đã xuống cấp. Vào những giờ cao điểm như ra chơi thường xuyên diễn ra cảnh quá tải. Để đáp ứng đủ yêu cầu về số lượng, chưa tính chất lượng theo quy định, trường cần được đầu tư, bổ sung xây mới thêm ít nhất 10 nhà vệ sinh.
Hiệu phó Lèng Thị Tịnh cho biết để đầu tư xây dựng thêm vẫn trông đợi vào nguồn kinh phí từ huyện, xã hội hóa, các nhà hảo tâm. Trường chỉ có thể huy động nhân công hỗ trợ. Do ngân sách đầu tư xây dựng vẫn nan giải, trường chỉ có thể cố gắng tu sửa nhỏ, duy trì bảo dưỡng, tăng cường vệ sinh để giảm bớt tình trạng quá tải và không ảnh hưởng tới sức khỏe, môi trường.
"Học sinh quá đông mà nhà vệ sinh xuống cấp và không đủ phòng cho các con đi. Giờ ra chơi các em phải nối dài chờ nhau rất lâu", cô Tịnh nói.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước có 188.000 nhà vệ sinh cho học sinh ở các cấp học, từ mầm non đến THPT, trong đó có 67% nhà vệ sinh kiên cố, 33% còn lại cần hỗ trợ để nâng cấp, xây mới.
Năm học 2022-2023, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé có 35 đơn vị trường trực thuộc. Trong đó, 30 điểm trường thuộc 10 đơn vị trường cấp tiểu học và 11 đơn vị trường cấp THCS còn thiếu nhà vệ sinh hoặc đã có nhưng xuống cấp.
"Số lượng nhà vệ sinh còn ít, học sinh đông dẫn đến tình trạng quá tải, tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh như tiêu chảy, thương hàn, tả, đau mắt hột... làm ảnh hưởng tới sức khỏe của học sinh, cộng đồng, tác động tiêu cực đến công tác giáo dục, chăm sóc trẻ", ông Phạm Thiết Chuỳ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé nói.
Cô Đoàn Thị Hà cho biết thêm, hồi tháng 9, gần chục học sinh lớp 6 nghỉ học vì sợ đi vệ sinh. Lứa tuổi này các em học sinh nữ bắt đầu phát triển về tâm sinh lý nên sẽ rất e ngại trong vấn đề riêng tư. "Nhà vệ nhỏ, chỉ che chắn tạm bợ bằng tôn, nhiều em nữ cứ lo sợ các bạn nam đi ngang nhìn thấy", cô Hà nói.
Có những học sinh nhịn quá lâu, không dám đi vệ sinh và tè ngay tại lớp. Bị bạn trêu, cô bé khóc và nghỉ học. Thầy cô phải đến tận nhà vận động cả tuần em mới quay lại trường.
Ba năm qua, Lành Như Quỳnh, lớp 9D5 mỗi lần buồn tiểu hay đau bụng chỉ chạy về nhà. Quỳnh kể, bốn lớp dùng chung một phòng vệ sinh vừa chật và bẩn nên em ngại đi.
Học sinh gần nhà còn có thể tìm cách chạy về đi vệ sinh nhưng với Lò Thu Phương, nhà tận trong bản, mỗi lần "đến tháng" cô bé xin giáo viên nghỉ học.
"Nhà vệ sinh xuống cấp, không sạch sẽ, đôi khi không có nước, không có xà phòng, không có chỗ riêng tư. Do vậy, em không dám đi thay băng vệ sinh, phải xin nghỉ. Có bạn không dám nghỉ thì ngồi trong lớp cả buổi, chờ bạn về mới dám về", Thu Phương kể.
Đi vào rừng là cách mà Vàng Thị Di, lớp 8C3 giải quyết mỗi khi buồn tiểu mà đợi quá lâu. Di cũng từng nghỉ học một tuần vào năm lớp 7 khi em chịu không nổi cảnh đi vệ sinh tại trường.
"Nhà vệ sinh bẩn, mùi khai nồng nặc em không thể chịu nổi. Phòng chỉ che tôn có mấy lỗ hở, không được kín, mấy bạn nam đi bên ngoài có thể nhìn vào được bên trong nên em không dám đi", cô bé 13 tuổi nói.
Em Vừa Thị Chi, lớp 6A2 nhiều lần khóc vì trực nhà vệ sinh quá bẩn. Chi kể, nơi để đi tiểu các bạn phóng uế thẳng, vứt giấy bừa, có lúc quên xả nước trông rất kinh khủng.
"Các bạn dùng que với lá cây làm tắc bệ cầu. Mùi thật sự kinh khủng. Mỗi lần muốn đi em xin thầy cô chạy sang nhà bạn cùng lớp. Em không dám bước vào nhà vệ sinh ở trường, hôi lắm", Chi than thở.
Mùa tựu trường đến, cô Tịnh lại đau đầu khi mỗi ngày nhận 4-5 cuộc điện thoại phản ánh từ người dân về vấn đề nhà vệ sinh bốc mùi. Cô Tịnh có khi khủng hoảng không dám nghe điện thoại. Những lúc mất nước dẫn đến việc đi vệ sinh gián đoạn. Số lượng học sinh quá đông, chuyện nhà vệ sinh bẩn lại cứ thế diễn ra.
"Tôi chỉ mong được các đơn vị hảo tâm hỗ trợ thêm nhà vệ sinh đảm bảo chất lượng để thầy cô và các em học sinh đỡ cực", cô Phó hiệu trưởng bộc bạch.
Minh Tâm
Những nhà vệ sinh quá tải, bốc mùi, quây tôn tạm bợ ở Mường Nhé, Điện Biên sẽ được cải thiện nếu có sự chung tay của bạn và cộng đồng. Quỹ Hy Vọng đặt mục tiêu xây mới 30 nhà vệ sinh nhằm xoá bỏ nỗi ám ảnh cho học sinh nơi đây. Để chung tay cùng Quỹ, độc giả có thể tìm hiểu tại đây.