Ngay từ sáng sớm, nhiều đoàn người tìm đến Nhà tang lễ TP HCM để thắp hương tiễn biệt Giáo sư Hoàng Như Mai trong không khí trang nghiêm. Có những người còn rất trẻ, có nhiều người tóc đã bạc phơ nhưng họ đều là học trò của người thầy đáng kính này. Phía trong, hàng trăm vòng hoa nép mình dưới nụ cười hiền của người trong di ảnh.
"Thầy ơi...", tiếng gọi tha thiết của người phụ nữ có mái tóc đã bạc trắng khiến những người có mặt tại lễ viếng Giáo sư Hoàng Như Mai sáng 29/9, đồng loạt ngoái nhìn.
Người phụ nữ đó cầm nén nhang với đôi bàn tay run rẩy, lặng đứng trước linh cữu Giáo sư Hoàng Như Mai rất lâu. Không ai nghe bà nói điều gì, chỉ thấy đôi vai rung lên nhè nhẹ và hai dòng nước mắt tuôn rơi trên gương mặt nhằng nhịt vết chân chim.
Bà là Trần Thị Hương (ngụ quận Tân Bình), một trong những thế hệ học trò đầu tiên của giáo sư tại trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Sau giải phóng, bà theo gia đình vào Nam định cư và cũng theo nghiệp dạy học ở một trường phổ thông.
Từ khi ra trường và lưu dạy ở nhiều nơi, nhưng với bà Hương, hình ảnh người thầy giản dị khi đứng lớp, hun đúc từng con chữ trong các bài văn, bài thơ mà thầy để lại trở thành "di vật" đi theo suốt cuộc đời bà.
Bà Hương hay tin Giáo sư Hoàng Như Mai từ trần qua vài người bạn, cũng là học trò của thầy. Dù đã yếu nhưng sáng nay bà vẫn cố gắng thuê xe ôm đưa đến viếng để có thể tiễn thầy đi nốt đoạn đường cuối cùng.
"Rồi từ đây thầy sẽ không phải vất vả vì lũ học trò bọn tôi nữa. Hơn 60 năm, học trò của thầy rất nhiều người đã gần tuổi 80 nhưng vẫn nguyên vẹn niềm yêu kính thầy như ngày nào. Chúng tôi vẫn nhớ đến giọng nói hào sảng, khắc sâu trong tim những điều thầy tâm huyết truyền đạt", bà nói và ngước đôi mắt đỏ hoe hướng về linh cữu người thầy đáng kính.
*Lãnh đạo TP HCM và học trò viếng Giáo sư Hoàng Như Mai
Còn với PGS TS Trần Hữu Tá (Phó chủ tịch Hội Nghiên cứu giảng dạy văn học TP HCM), thì sự ra đi của Giáo sư Hoàng Như Mai không chỉ là mất đi một người thầy mà còn là mất đi một người bạn, một người tri kỷ.
"Thầy Mai có 65 năm gắn đời mình với giáo dục thì tôi có 57 năm gắn đời mình với thầy Mai", ông Tá nói. Ông từng là học trò của thầy Mai ở ĐH Tổng hợp Hà Nội, sau đó là đồng nghiệp cùng giảng dạy ở nhiều trường ĐH và cùng tham gia nghiên cứu rất nhiều công trình văn học. Về sau PGS TS Trần Hữu Tá lại cùng làm việc ở Viện nghiên cứu văn học TP HCM với Giáo sư Hoàng Như Mai. "Bấy nhiêu năm ấy biết bao là tình...", ông Tá nghẹn lời.
Kể về người thầy, người anh đáng kính của mình, PGS Trần Hữu Tá cho biết, thầy Mai không chỉ dạy học ở một trường, một cấp "mà cái lạ của thầy Mai là đã dạy từ những người học tiểu học cho tới khi đào tạo Tiến sĩ". Bắt đầu sự nghiệp giảng dạy từ năm 1943 ở trường Tiểu học Đông Hải (Hải Dương), việc dạy học này rất tình cờ và có phần ngẫu hứng vì khi đó thầy đang là sinh viên Đại học Luật khoa Đông Dương. Không ngờ từ đó sự nghiệp giáo dục gắn luôn với cuộc đời của thầy.
Nói về Giáo sư Hoàng Như Mai, ông Tá nhận xét "đó là một người thầy cực kỳ giản dị và đôn hậu". Trong chừng ấy năm gắn với nền giáo dục nước nhà, thầy chưa bao giờ để lại bất cứ điều tiếng gì. Bao thế hệ học sinh đi qua, nhiều học trò cũ của thầy giờ đã thành danh, thành tài ở nhiều nơi. Trong đó có Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên chủ tịch UBND TP HCM Phạm Phương Thảo... hay hàng trăm học sinh khác giờ cũng là giáo sư, tiến sĩ, giáo viên trong ngành giáo dục.
Vị Phó chủ tịch Hội Nghiên cứu giảng dạy văn học TP HCM cũng cho biết thêm, cho tới trước khi ngã bệnh, thầy vẫn luôn miệt mài với từng trang sách. Mỗi lần chúng tôi đến thăm, giọng thầy vẫn trầm ấm ngâm từng câu thơ cho chúng tôi nghe.
Là người tiếp bước và gìn giữ những thành quả mà GS Hoàng Như Mai để lại, với PGS TS Trần Văn Thiện - Hiệu trưởng trường ĐH Văn Hiến, thì thầy Mai không chỉ là người sáng lập ra trường mà còn là linh hồn của ngôi trường này. "Thầy là cây đại thụ ngành giáo dục Việt Nam chứ không của riêng gì trường chúng tôi", ông Thiện nói thêm.
Ông cũng cho biết, đối với GS Hoàng Như Mai, các thế hệ học trò không những phục thầy về tài năng "mà quan trọng hơn đó là đức độ của một người thầy". Trong mối quan hệ với bè bạn, đồng nghiệp và học trò, thầy luôn lấy tình làm trọng. Nhiều người còn nhớ trong những năm kháng chiến chống Mỹ, nhiều sinh viên khoa Ngữ văn (ĐH Tổng hợp Hà Nội) lên đường vào Nam chiến đấu. Chuyện “đi B” lúc bấy giờ được tổ chức hết sức bí mật, người ra đi hạn chế tối đa việc tiếp xúc, gặp gỡ người thân. Vậy mà nhiều người trước khi vượt Trường Sơn vẫn tìm mọi cách gặp thầy để nói lời tạm biệt và để được nhận những lời dặn dò ân cần của người thầy kính yêu.
Nhà giáo nhân dân Hoàng Như Mai qua đời vào ngày 27/9. Cách đây một tháng, ông gặp tai nạn và được điều trị tại Bệnh viện 175 TP HCM. Thầy đã được Chủ tịch nước phong hàm Giáo sư năm 1982, phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân năm 1990 và trao tặng Huân chương Lao động hạng nhất năm 1995.
Giáo sư Hoàng Như Mai không chỉ là giáo viên, nhà nghiên cứu mà còn là một nhà văn, nhà viết kịch nhà thơ với rất nhiều tác phẩm đã đi vào lòng người đọc như tập thơ Trao nhau cuộc đời; kịch Tiếng trống Hà Nội, Dòng sông biên giới...
Nguyễn Loan