Vừa tan trường, hàng chục học sinh xã vùng cao Xuân Thái (Như Thanh, Thanh Hóa) ùa ra bến đò ven hồ Sông Mực. Ở đó, 4 chiếc thuyền nan neo đậu sẵn sàng đưa những học trò vượt hồ rộng mênh mông về nhà. Gọi là bến đò, nhưng không có người đưa sang mà các em phải tự chèo. Những chiếc thuyền mỏng, đan từ nan tre mà người dân dùng đánh cá, giờ trở thành phương tiện để nhiều học sinh nơi đây đi tìm con chữ.
Cậu học trò Lê Viết Văn học lớp 7 tự tin chèo thuyền cùng các bạn tới lớp. Ảnh: Hoàng Phương. |
Xắn quần cao quá đầu gối cho khỏi ướt, cậu học trò Lê Viết Văn lội xuống nước rồi neo chiếc thuyền nan lại gần bờ để các bạn lần lượt bước lên. Con thuyền chòng chành, lắc lư một lúc, đến khi các em ngồi yên mới hết chao đảo. Văn ngồi đầu mũi thuyền với chiếc mái chèo dài quá đầu người trên tay. Chiếc thuyền nhỏ lướt trên mặt hồ có chỗ sâu cả chục mét. Ngồi trên thuyền, các em kể cho nhau nghe chuyện trường lớp và cười đùa râm ran. Thi thoảng còn có em nghịch, khỏa nước mạn thuyền chơi.
Cậu học trò lớp 7, người mảnh khảnh, được bạn bè goi là "rái cá hồ Sông Mực" bởi Văn bơi lội cừ khôi và biết chèo thuyền đi học từ năm lớp 3. Nhà em ở thôn Lùm Lau (làng Lúng), như một ốc đảo nổi lên giữa sông nước. Không có đường đi, hơn chục học sinh cấp một, cấp hai trong thôn đều phải đi thuyền nan mới đến được trường.
"Những hôm đẹp trời, không ngược gió thì đi về nhà nhanh lắm, vượt hơn 3 km mặt hồ chỉ mất khoảng một tiếng. Nhưng hôm nào mưa to gió lớn thì phải đi từ hơn 5h sáng. Chúng em mặc áo mưa, đứa chèo, đứa tát nước cho thuyền khỏi chìm. Mưa to quá thì chờ cho ngớt mới dám đi", Văn kể chuyện.
Học sinh nơi đây, tuổi lên 9, lên 10 đã là những tay chèo thuyền cừ khôi. Em Bùi Thị Trang, nhà ở thôn Ao Ràng cách trường hơn 4 km. Trang bảo, thuyền nhỏ nhưng em không sợ vì từ bé em đã được làm quen với sông nước. Hồi Trang 8 tuổi, mỗi lần bố mẹ đi đánh cá đều cho cô bé đi theo. Khi Trang đi học, bố mẹ em chỉ phải đưa đón thời gian đầu, sau này Trang tự đi. Cô học trò lớp 9 còn đưa hai em học lớp hai và lớp sáu đi cùng. "Đi đường nhựa xa quá, chúng em lại không có xe đạp nên chọn cách đi qua hồ cho nhanh", Trang cho biết.
Tháng 11, khi thủy điện tích nước cho sản xuất, vùng này ngập nặng. Nước dâng cao lên đến nửa cột điện, ngập lên tận thềm nhà người dân. Khi đó, quãng đường chèo thuyền của các em lại càng dài và nguy hiểm hơn nữa.
Gần chục học sinh tiểu học ngồi chênh vênh trên những chiếc thuyền nan thường được người dân dùng đánh cá trên sông. Các em hoàn toàn không có áo phao hay đồ bảo hộ. Ảnh: Hoàng Phương. |
Con đường đến trường qua nhiều đập tràn, hoặc đường xấu, vòng vèo xa hơn 5-7 km nên các em chọn cách bơi thuyền cho nhanh. Có những học sinh ở cách trường 14 km như thôn Thanh Xuân, không phải đi thuyền đò nhưng lại phải qua bốn đập tràn xả lũ. Những hôm trời mưa to, nước chảy xiết, việc đi học qua đây rất khó khăn.
Cô Nguyễn Thị Hà, Hiệu phó trường Xuân Thái, tâm sự, người lớn lần đầu tiên ngồi trên những chiếc thuyền nan còn run, không dám thở mạnh vì sợ lỡ rơi xuống nước. Các thầy cô muốn đến thăm học trò cũng phải nhờ người bản địa chèo thuyền.
Giữa mênh mông sóng nước, những học sinh ngày ngày giao phó tính mạng cho thủy thần. Ảnh: Hoàng Phương. |
Trường THCS Xuân Thái có 191 học sinh, có 70 em đi học xa trên 7 km được vào ở khu nhà bán trú. Số còn lại vẫn phải chèo thuyền đi học hoặc về đường xa. Nhà trường muốn đưa số học sinh này vào ở bán trú để các em đỡ phải đi lại vất vả nhưng chưa được.
Khu nhà bán trú được tỉnh đầu tư hơn 1,3 tỷ đồng, bàn giao năm 2010 gồm 10 phòng bán trú nhưng chỉ có 3 phòng được sử dụng. Các phòng còn lại không có giường, nhiều hôm học sinh phải rải chiếu xuống đất để nằm. Nhà trường đành bàn với phụ huynh gửi học sinh ra trọ ở dân. Những học sinh nhà ven hồ cách trường dưới 7 km muốn vào bán trú cũng không có chỗ ở.
"Nhà trường và chính quyền xã nhiều lần vận động các em đi học bằng đường bộ nhưng không có kết quả. Được vài hôm lại thấy các em đi thuyền nan bởi đã quen với sông nước và việc đi qua hồ Sông Mực là con đường ngắn nhất để đến trường. Năm 2008, trường được tặng 100 áo phao, phát gần hết cho các em nhưng học sinh hầu như không mặc mà để ở nhà", thầy Ngô Minh Sơn, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết.
Hoàng Phương
Video: Thanh Tùng