Trong khi tân sinh viên của nhiều trường đang học các môn cơ sở thì “lính mới” Y1 (ĐH Y Hà Nội) đã bắt đầu môn “Giải phẫu”.
Đối diện với vườn hoa Paster, Hà Nội, Viện Giải phẫu luôn là tâm điểm của đám sinh viên hiếu kỳ. Cuối góc hành lang khá tối trong Viện là phòng giải phẫu với nhiều giai thoại được lưu truyền. Đối lập với không gian sầm uất bên ngoài, cách thiết kế đặc biệt làm phân tán âm thanh, khiến không gian vắng lạnh làm không ít sinh viên yếu bóng vía “sởn da gà”.
Học xong lý thuyết với đủ mô hình, tranh vẽ, các cô cậu sinh viên đã sẵn sàng "phi" thẳng lên tầng 2 để học thực hành. Vừa bước vào phòng, xông thẳng lên mũi là một mùi formon nồng nặc khiến không ít tân sinh viên phải nhăn mặt, nhíu mày thậm chí ho khan vì sốc.
Sinh viên đang thực hành giải phẫu trên xác người. Ảnh: Hoàng Lan. |
Nhưng mùi formon vẫn chưa là gì so với cảm giác "chạm tận tay, sát tận mặt" với xác chết và nhìn các bể kính đựng đầy đủ bộ phận cơ thể người. Thảo Miên (sinh viên năm 2) nhớ lại: “Chợt lợm giọng, nghẹt thở như có luồng khí lạnh chạy dọc sống lưng khi thấy cái xác to, chít bông kín mặt như xác ướp trên bàn”.
Choáng, mắt nhắm mắt mở, không kịp nghĩ gì, phản ứng đầu tiên là Miên chạy ra xa, ngờ đâu va ngay vào cái xác bên cạnh khiến Miên "hồn xiêu phách lạc". Ngay với những tân sinh viên "vía" mạnh hơn, sau khi thấy hai cái xác thâm đen với các nội tạng phơi bày trên bàn phẫu tích thì “cứ nhìn thấy các món như thịt bò hay tim, gan, lòng lợn là thấy kinh. Mất một tháng trời, thực đơn của em chỉ toàn rau và các loại củ quả”, Đức Linh, một sinh viên thổ lộ.
Đó là thời kỳ đầu, còn đến khi quen dần với môn học, để "nhìn cho rõ, nghe cho thủng" những lời thầy giảng, đám sinh viên lại tranh nhau đứng... gần xác. Đến đoạn cao trào, sinh viên chen chúc nhau đến mức... đè cả lên bàn phẫu tích xác là chuyện "thường ngày ở viện". Khi lật tìm động mạch gan chung, động mạch vị trái, động mạch tá tụy... các cô cậu sinh viên phải rất nhẹ tay vì sợ "đứt mất mạch thì lúc thi không biết tìm đâu ra".
Học cùng các lớp khác nên không có đủ phương tiện, Hồng Thắm tiện tay vơ luôn cái bút làm panh phẫu tích. Chọc chán chê, gạt lên gạt xuống rồi lớ ngớ thế nào, tiện tay, cô sinh viên... ngậm luôn chiếc bút vào miệng. Đến khi giật mình hiểu ra sự tình, Thắm tức tốc mua ngay bàn chải đánh răng để cải thiện tình hình mà vẫn thấy ghê.
Hết chi trên, chi dưới, đầu mặt cổ rồi lại học đến ổ bụng, tạng và hệ thần kinh... đám sinh viên Y1 ngay từ đầu đã xác định đây là một môn khó “xơi”. Gần sát ngày thi, mới có chuyện các thầy cô giáo thấy đám xương vơi đi dần. Đốt xương tay rồi xương sọ đã không cánh mà bay.
Giáo viên đâu ngờ đám sinh viên vẫn còn chưa qua tuổi “nhất quỷ nhì ma” mắt trước, mắt sau thừa lúc thầy sơ ý đã “chôm” luôn về nhà. Chờ đến đêm khuya thanh vắng khi mọi người ngủ hết mới dám ngồi ôm chiếc sọ, vừa “tụng” các khe, rãnh, lỗ vừa cầu nguyện "ngày mai thi đúng cái xác đẹp", Thành Trung, sinh viên năm 3 kể lại.
Hình thức thi theo kiểu "chạy bàn" trong vòng 9 phút làm sinh viên …méo mặt. Đúng như tên gọi, vào giờ thi, sinh viên phải chạy hết tốc lực qua 3 bàn xương, mô hình và xác. Cứ 3 phút, nghe khẩu lệnh "chuyển bàn" là sinh viên phải ... co giò chạy. Trả lời đúng 10 chi tiết trong một khoảng thời gian eo hẹp không phải đơn giản.
Sau một thời gian được đào tạo trong môi trường “thiết quân luật” quen dần với xương, với xác, chuyện các sinh viên nữ ngồi ôm chậu xương, giành giật nhau từng đốt xương bé tẹo đến đoạn xương to đùng, tỷ mẩn với vùng xương phức tạp không còn là điều khiến các nam sinh viên “mắt tròn, mắt dẹt” nữa.
Đối với dân Y, môn giải phẫu luôn là niềm tự hào và được sinh viên dành cho nhiều sự ưu ái. "Học xong môn này thấy mình hiểu chính cơ thể mình và... anh hùng hơn. Không còn khóc thét khi thấy xác người nữa", một nữ sinh Y chia sẻ.
Hoàng Lan