1. Sách thiết kế minh họa
Nhiều người lầm tưởng sách minh họa chỉ dành cho trẻ em, nhưng không đúng. Hiện nay, mọi lĩnh vực đều có những ấn phẩm, sách thiết kế minh họa phục vụ khả năng tiếp cận thông tin dựa trên hình ảnh của độc giả. Tuy nhiên, khi mới bắt đầu học tiếng Anh, lựa chọn những cuốn sách minh họa thiếu nhi là ý tưởng hấp dẫn bởi lẽ ngôn từ trong sách thiếu nhi dễ hiểu, dễ đọc.
Hãy bắt đầu học ngoại ngữ từ "Clarice Bean, That’s Me" của Lauren Child. Cuốn sách xoay quanh cuộc sống của Clarice Bean và đại gia đình ồn ào của cô. Sách có hình minh họa bắt mắt, ngôn từ đơn giản, dễ học và cung cấp nhiều thành ngữ tiếng Anh thông dụng. Một tác phẩm nổi tiếng khác là "Oh the Places You’ll Go" của tiến sĩ Seuss.
2. Sách dạy nấu ăn
Không chỉ sử dụng thính giác, thị giác, việc kích thích vị giác có thể khiến việc học ngôn ngữ sinh động hơn. Dù bạn có là đầu bếp bậc thầy, sách dạy nấu ăn vẫn là công cụ tuyệt vời để học từ vựng về thực phẩm, học cách sử dụng liên từ.
Sách "Heston Blumenthal at Home" của tác giả Heston Blumenthal sử dụng ngôn từ đơn giản, tranh minh họa đẹp mắt và công thức dễ thực hiện. Ngoài ra, bạn có thể tìm công thức nấu ăn trong tạp chí tiếng Anh, video trực tuyến hoặc ứng dụng như Cookpad.
3. Bản đồ
Bạn có thể sử dụng bản đồ đường phố, bản đồ định hướng hoặc bản đồ tự phác họa để học tiếng Anh. Lấy ví dụ về ứng dụng Google Maps trên điện thoại. Hãy lựa chọn những quốc gia sử dụng tiếng Anh trên bản đồ, theo dõi biển báo đường phố, biển quảng cáo, biển hiệu các cửa hàng. Song song với đó hãy ghi chú những từ mới mà bạn chưa biết để tra cứu.
Bản đồ là cách học tiếng Anh rất thực tế, có thể áp dụng vào việc luyện kỹ năng nói. Bạn hãy tưởng tượng mình đang hỏi người bản ngữ địa chỉ một địa điểm bất kỳ trên bản đồ. Sau đó, hãy tự đóng vai người bản ngữ, đọc bản đồ và giải thích đường đi cụ thể. Từ đó, bạn không chỉ học từ vựng mà còn hình thành phản xạ nói, nghe và nhìn cùng lúc.
Bản đồ còn là hoạt động học tiếng Anh hấp dẫn dành cho trẻ em. Phụ huynh có thể tổ chức trò chơi săn tìm kho báu, đưa mỗi trẻ một tấm bản đồ chỉ đường đến kho báu bằng tiếng Anh.

Ảnh: Shutterstock.
4. Truyện tranh
Không chỉ truyện tranh giấy mà hiện nay có rất nhiều ấn bản điện tử được tải lên Internet mỗi ngày. Bạn có thể tận dụng nguồn tài nguyên này để học tiếng Anh.
Nếu mới học tiếng Anh, hãy thử bắt đầu với bộ truyện tranh "Blindsprings" của tác giả Kadi Fedoruk. Truyện kể về hành trình cô gái Tamaura rời khỏi khu rừng nơi cô lớn lên để đến thành phố lớn với ngôn từ đơn giản.
Với mục đích học tiếng Anh giao tiếp cơ bản, bạn có thể tìm đọc "The Abominable Charles Christopher" của tác giả Karl Kerschl. Truyện xoay quanh một tên người tuyết có ngoại hình gớm ghiếc nhưng tính cách dễ mến.
Đối với những độc giả có trình độ tiếng Anh tốt, "Calvin and Hobbes" của tác giả Bill Watterson sẽ là lựa chọn thích hợp. Bạn có thể tìm thấy phiên bản sách giấy hoặc sách điện tử trên trang web Go Comics. Bộ truyện xoay quanh một cậu bé 6 tuổi và con hổ đồ chơi thân thiết của bé. Các chủ đề được bàn đến trong truyện bao gồm chính trị, môi trường, nghệ thuật trừu tượng.
5. Thẻ học Flashcards
Flashcards, hay còn gọi là thẻ học từ mới là công cụ học tiếng Anh phổ biến với thiết kế nhỏ gọn và giá cả phải chăng. Người học có thể mang Flashcards khi ra ngoài và tranh thủ khoảng thời gian trống để học từ mới như khi đi xe bus, đi tàu điện ngầm hoặc giờ ra chơi sau những buổi học. Bạn có thể ghim Flashcards trên tủ lạnh hoặc vị trí dễ nhìn trong nhà để học từ mới, ngữ pháp mỗi ngày.
Ngoài ra, bạn có thể truy cập trang web Inside Story Flashcards, nơi cung cấp thẻ từ mới trực tuyến, dựa theo cấp độ từ dễ đến khó. Trang web đưa ra những mẫu câu chứa từ mới giúp người học nắm rõ ngữ cảnh sử dụng và luyện tập cách dùng.
6. Ảnh
Hầu hết mọi người dùng từ điển chữ để tra từ mới mà quên mất lợi ích của việc nhìn vào hình ảnh. Chẳng hạn, nếu bạn tra từ "ravioli" trên Google hình ảnh, bạn sẽ được thưởng thức những hình ảnh hấp dẫn về món ăn "ravioli" và sau đó ghi nhớ cụm từ này nhanh chóng hơn.
Bạn có thể cùng bạn bè chơi trò đoán nghĩa của từ thông qua hình ảnh bằng tiếng Anh để rèn luyện. Hãy chọn hình ảnh một món đồ bất kỳ, sau đó miêu tả cho bạn bè bằng tiếng Anh mà không sử dụng những từ vựng liên quan trực tiếp đến món đồ đó. Ví dụ khi miêu tả "a soccer ball" (quả bóng đá), bạn không được sử dụng từ "soccer" (bóng đá), "ball" (quả bóng).
7. Trang web
FluentU
Trang web FluentU tổng hợp nguồn tài liệu học từ thực tế như video âm nhạc, trailer phim, phim hoạt hình. Người học có thể xem, nghe và nhại giọng các nhân vật để luyện các kỹ năng ngôn ngữ.
Visuwords
Đây là trang web hữu ích để mở rộng vốn từ vựng. Khi nhập một từ bất kỳ vào ô tìm kiếm, Visuwords sẽ cung cấp khái niệm từ thông qua sơ đồ liên kết từ với những từ cùng chủ đề khác.
Visual Dictionary Online
Trang web Visual Dictionary Online chia từ vựng thành các chủ đề nên bạn có thể học từ mới theo từng nhóm. Mỗi từ mới có hình ảnh đi kèm định nghĩa để người học hình dung rõ ràng hơn về ý nghĩa của từ.
Tú Anh (Theo FluentU)