Thầy Nguyễn Văn Lực, giáo viên trường THCS Trịnh Phong (Diên Khánh, Khánh Hòa) chia sẻ góc nhìn về hàng loạt thí sinh thi vào lớp 10 bị điểm 0 môn Toán.
Thi cử từ xưa đến nay có người đậu người rớt, thậm chí điểm 0 là chuyện bình thường. Tuy nhiên, tỉnh Khánh Hòa có đến 668 học sinh bị điểm 0 môn Toán trên 13.250 học sinh dự thi vào lớp 10 công lập thì thực sự khiến những người làm trong ngành giáo dục của tỉnh phải suy ngẫm.
Cô Hoàng Thị Lý, Phó giám đốc phụ trách Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa, cho rằng đa số em bị điểm 0 là "đi thi theo mong muốn của gia đình". Đây chỉ là một trong những nguyên nhân và cũng chỉ là số ít, không thể 668 em đều bị gia đình ép đi thi. Giáo dục học sinh là sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội, vậy thử tìm hiểu trách nhiệm của các khách thể này như thế nào.
Thực tế lâu nay ngành giáo dục quá chú trọng việc phát hiện bồi dưỡng nhân tài, bồi dưỡng học sinh giỏi thông qua phong trào thi học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh, quốc gia được tổ chức hàng năm, nhằm có thành tích, đạt huy chương để được vinh danh khen thưởng, còn học sinh yếu kém bị bỏ rơi. Thử hỏi có bao nhiêu trường quan tâm thật sự đến việc bồi dưỡng học sinh yếu kém, hay chỉ làm chiếu lệ? Tại sao không đẩy mạnh bồi dưỡng học sinh yếu kém như học sinh giỏi? Thầy cô xóa tình trạng học sinh yếu phải là giáo viên dạy giỏi mới đúng.
Thầy giỏi trò mới giỏi, thầy cô phải tự nhận một phần trách nhiệm cho những sản phẩm bị lỗi này, đừng nên đổ cho ai khác. Nếu cho rằng do học sinh không chịu học, vậy thì cần hỏi thầy cô dạy như thế nào mà trò không chịu học? Tất nhiên, cũng có học trò cá biệt, không tiếp thu được, thầy cô rất tâm huyết, không ngại khó khăn để truyền thụ kiến thức nhưng lực bất tòng tâm.
Học sinh bị điểm 0 môn Toán là do gia đình ép phải đi học, đi thi nên miễn cưỡng thực hiện, chứ thật sự kiến thức đã hổng. Vì thế phần lớn có nguyện vọng học nghề hoặc bỏ học sau khi tốt nghiệp THCS. Có em hoàn cảnh kinh tế khó khăn, ở vùng biển, vùng dân tộc huyện Cam Lâm, Cam Ranh, Vạn Ninh... nên gia đình không chú trọng việc học, chỉ cần lao động giúp gia đình. Việc học của các em là được chăng hay chớ, gia đình khoán trắng cho nhà trường.
Một nguyên nhân sâu xa nữa là bệnh thành tích trong giáo dục nói riêng và xã hội nói chung. Giáo viên chủ nhiệm muốn lớp có nhiều học sinh giỏi, có chất lượng lên lớp cao để được khen dạy giỏi. Giáo viên bộ môn thì để đạt chỉ tiêu về chất lượng bộ môn do mình giảng dạy (Toán 85% từ trung bình trở lên; Sử, Địa, Sinh từ 98% trở lên...) đã chấm điểm nới tay cho học sinh. Hiệu trưởng thì luôn muốn trường có nhiều học sinh giỏi cấp trường, huyện, tỉnh để cuối năm đưa vào tiêu chí xếp loại danh hiệu trường tiên tiến, xuất sắc huyện, tỉnh...
Tất cả mong muốn ấy cộng dồn, cuối năm thầy cô, nhà trường lần lượt đẩy học sinh yếu kém lên lớp, để rồi tốt nghiệp lớp 9 lại không giải được một bài toán cơ bản dễ nhất trong đề thi vào lớp 10.
Để giải quyết vấn đề điểm 0, trước hết ngành giáo dục nên bỏ khống chế các loại chỉ tiêu, từ chất lượng bộ môn, lên lớp, tốt nghiệp, lưu ban, bỏ học để xét thi đua giáo viên, trường, phòng... Có như vậy mới đánh giá thực chất chất lượng dạy học, đem lại sự công bằng trong dạy và học.
Thứ hai, cần xem việc xóa học sinh yếu là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên, liên tục trong nhà trường, lấy đó làm tiêu chí chính xếp loại thi đua công nhận giáo viên giỏi trường, huyện, tỉnh. Nên phân công thầy cô có năng lực, kinh nghiệm, tâm huyết giảng dạy lớp xóa yếu vì dạy học sinh yếu lên trung bình, khá khó hơn dạy học sinh giỏi nhiều. Ngay đầu năm học nhà trường nên thành lập lớp xóa yếu bồi dưỡng liên tục suốt 4 năm.
Nếu đồng lòng quyết tâm thực hiện những việc làm trên, học sinh bị điểm 0 chắc chắn sẽ giảm.
Ngày 4-5/6, hơn 13.200 thí sinh Khánh Hòa dự thi vào lớp 10 với các môn Văn, Toán và tiếng Anh. Tại hai huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, học sinh tiếp tục được xét tuyển bằng điểm thi THCS.
Kết quả, thí sinh đạt điểm trên trung bình môn tiếng Anh, Văn chỉ chiếm 25,9% và 33,6%. Riêng môn Toán có 47,6% thí sinh trên điểm trung bình, tuy nhiên có 668 thí sinh bị điểm 0, tập trung nhiều ở các vùng huyện Cam Lâm, Vạn Ninh và TP Cam Ranh.
Nguyễn Văn Lực