Từ ngày nghỉ học tránh dịch, Trần Hàng Thái Tú, 15 tuổi, lên rẫy cùng cha. Tú là học sinh lớp 8, trường Trung học nội trú huyện Hàm Thuận Nam, cách nhà hơn 30 km. Gần ba tháng qua, em không quay lại trường.
Nghỉ học lâu, Tú lơ là việc học, nhưng được cha nhắc nhở, khi lên rẫy, em thường mang theo sách vở để ôn bài. "Mình mà không nhắc, cháu sẽ quên hết kiến thức, đến khi trở lại trường sẽ thua bạn bè", ông Trần Thanh Tuấn, cha Tú nói.
Tuần trước, nhiều trường trung học đã triển khai học qua Internet. Tuy nhiên, trường của Tú chưa tổ chức. Và nếu có, thì Tú và bạn bè vùng cao như ở Mỹ Thạnh cũng khó thực hiện, vì sóng 3G rất yếu do ở trong rừng, phần lớn gia đình kinh tế khó khăn nên cũng không có laptop hoặc điện thoại để học.
"Em mong được đến trường trở lại. Ở nhà, không có bạn, không có thầy hướng dẫn, em rất khó ôn bài. Những bài toán khó, em không biết hỏi ai. Nghỉ lâu quá, em quên hết", Tú nói.
Nhà Đặng Thị Mỹ Tuyên, học sinh lớp 11, trường Dân tộc nội trú Bình Thuận, khá hơn các bạn. Trước đó Tuyên được mẹ sắm cho điện thoại thông minh để tiện liên lạc khi lên tỉnh học. Những ngày nghỉ ở nhà, do trường chưa tổ chức học qua Internet, Tuyên cũng lên mạng tìm bài học lớp 11 do đài truyền hình sản xuất tải trên Youtube để ôn kiến thức. "Nhưng sóng 3G ở đây chập chờn, em không xem được thông suốt, lúc được lúc không, rất vất vả", Tuyên nói.
Mỹ Thạnh là ngôi làng của người Raglai nằm biệt lập trong khu rừng già ở vùng núi phía Nam Bình Thuận, cách Phan Thiết chừng 35 km. Toàn xã có 254 gia đình với 934 nhân khẩu. Người dân chủ yếu sống bằng nghề nông và khai thác lâm sản phụ.
Ở xã chỉ có trường mẫu giáo và tiểu học, học sinh THCS và THPT phải lên huyện và lên tỉnh học. Từ ngày 3/2, trường tiểu học và mẫu giáo đóng cửa, học sinh trung học ở xa trở về làng để phòng Covid-19. Từ lúc tạm nghỉ đến nay, tính cả thời gian nghỉ Tết, đã hơn 3 tháng.
Bà Hoàng Thị Kha, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thạnh, cho biết toàn xã có 106 học sinh tiểu học, 65 học sinh THCS và 23 học sinh THPT. Trong đó, học sinh khối trung học về huyện và tỉnh học ở các trường nội trú. Bà Kha nói rằng không những học sinh trung học, mà học sinh tiểu học ở vùng cao cũng đang gặp khó. Nghỉ học đến ba tháng, các cháu nhỏ người Raglai không rành tiếng Kinh, cha mẹ lại lên nương rẫy suốt ngày, nên chóng quên bài cũ.
Theo bà Kha, học sinh ở đây ít, làng lại biệt lập với bên ngoài, nguy cơ nhiễm bệnh rất khó, nên xã đang kiến nghị lên ngành giáo dục xem xét cho học sinh tiểu học được đến trường trở lại. "Hiện mỗi lớp chỉ chừng 20 em, do vậy có thể chia mỗi lớp ra làm hai, để các cháu ngồi ở xa nhau, đảm bảo an toàn", bà Kha nói.
Ông Nguyễn Minh Quốc, Trưởng phòng Giáo dục huyện Hàm Thuận Nam, cho biết khả năng đến đầu tháng 5, Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Thuận sẽ cho các trường đi học lại. Đối với trường tiểu học Mỹ Thạnh cũng như trường Trung học nội trú huyện, do số học sinh ít, cơ sở vật chất cũng đảm bảo học hai buổi, tới đây học sinh học hai buổi có thể theo kịp chương trình chung.
"Khoảng hai tuần nữa, cũng như dưới xuôi, học sinh vùng cao sẽ đến trường trở lại, các thầy cô sẽ tập trung củng cố kiến thức cho các cháu", ông Quốc nói.
Ông Phan Đoàn Thái, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Thuận, cho biết tình hình dịch ở địa phương hiện đã tạm ổn, ngành dự kiến cho học sinh toàn tỉnh đi học lại ngày 4/5. Đầu tuần, Sở đã gửi văn bản đến các trường THPT và các Phòng giáo dục huyện để lấy ý kiến, khảo sát tình hình thực tế của từng trường và từng địa phương.
"Nếu các trường hội đủ điều kiện cho học sinh đi học lại, chúng tôi sẽ trình UBND tỉnh xem xét", ông Thái cho biết.
Việt Quốc