Sáng 22/11, những học sinh tiểu học đầu tiên của huyện Lang Chánh, Thanh Hóa được trải nghiệm thư viện điện tử sau khi Quỹ Hy vọng bàn giao và phối hợp hướng dẫn sử dụng. Tuy nhiên, trước đó nhiều ngày, hàng trăm học sinh ở ba trường Tiểu học Yên Khương, Yên Thắng, Giao Thiện đã háo hức vì lần đầu biết đến thư viện điện tử.
Em Lò Thị Huyền Trang, lớp 5B, trường Tiểu học Yên Khương cho biết: "Ở nhà và ở trường chủ yếu em học qua sách vở nên rất muốn biết trong thư viện điện tử có gì. Em mong khả năng tiếng Anh của em sẽ tốt hơn sau khi được học qua thư viện này".
"Sau buổi hướng dẫn cho 15 học sinh và các giáo viên, nhiều em nói muốn xuống thư viện để trải nghiệm vì mô hình này rất mới lạ, hấp dẫn. Tôi cũng đã dùng thử và thấy thư viện hữu ích, giúp thầy cô và học sinh được học tập, tìm hiểu bằng công nghệ số", cô Lê Thị Nga, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Yên Khương chia sẻ.
Lang Chánh - huyện miền núi, biên giới phía Tây Thanh Hóa là một trong 6 huyện nghèo của tỉnh, với gần 90% là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo chiếm trên 30%. Toàn huyện có 8 trường tiểu học nằm rải rác ở các bản, vùng sâu, cao nguyên của huyện.
Ngoài Lang Chánh, 7 thư viện điện tử khác được bàn giao cho các trường ở huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh và huyện Kim Bảng, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam trong 2 ngày 21 - 22/11. Mỗi thư viện điện tử gồm 15 máy tính bảng và tai nghe. Cài sẵn trong các thiết bị là ứng dụng Vuihoc dành cho học sinh lớp 2 đến lớp 5, được xây dựng và thiết kế giúp học sinh và giáo viên tương tác hai chiều. Lộ trình học tập được xây dựng theo sách giáo khoa cải cách, đa dạng hình thức học tập.
Đây là hoạt động nằm trong kế hoạch trao tặng 35 thư viện điện tử ở giai đoạn một. Thời gian tới, các thiết bị và phần mềm học tập sẽ tiếp tục được bàn giao cho các trường ở Đăk Lăk, Gia Lai, Bắc Kạn... Dự án mong muốn hỗ trợ học sinh ở vùng khó khăn có cơ hội tiếp cận tri thức trên nền tảng trực tuyến, thúc đẩy tư duy, làm chủ kiến thức mới. Đó là tiền đề giúp rút ngắn khoảng cách chênh lệch giáo dục giữa miền núi và miền xuôi, giữa đô thị và nông thôn.
Đồng hành trong dự án này, các công ty thành viên của Tập đoàn FPT cũng gửi đến các trường nhận tài trợ thư viện điện tử ở Hà Tĩnh, Hà Nam các thiết bị bổ sung cho phòng thư viện như Tivi, máy in... và hàng nghìn phần quà cho các em học sinh.
Thư viện điện tử là dự án thuộc chương trình Ánh sáng học đường của Quỹ Hy vọng, với mục tiêu huy động nguồn lực xã hội để tăng cường cơ hội tiếp cận giáo dục cho nhiều học sinh. Đến nay, hơn 30 điểm trường với hàng trăm phòng học, phòng bán trú được xây mới tại Hà Giang, Lào Cai, Sơn La, Điện Biên, Tuyên Quang,, Lạng Sơn, Quảng Nam, Phú Yên, Bình Phước... Bên cạnh đó, gần 70 nhà vệ sinh khang trang đã được trao đến các em học sinh vùng cao. 35 ngôi trường với 375 phòng học bị ảnh hưởng bởi lũ lụt ở huyện Lệ Thủy, Quảng Bình cũng được thay áo mới.
Để giáo viên và học sinh ở vùng sâu, xa có điều kiện dạy, học tốt hơn, Quỹ Hy vọng - báo VnExpresst iếp tục nhận quyên góp trong chương trình Ánh sáng học đường. Mọi ủng hộ xin gửi về chương trình tại đây.
Vy An - Lê Hoàng - Đức Hùng